Trò chuyện cùng “Thợ săn vi rút”: Công nghệ góp phần thay đổi cuộc sống nhân loại

(Dân trí) - Không phải ai cũng may mắn được tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và trọn vẹn. Trung bình cứ 4 người nhiễm HIV thì lại có 1 người không hề biết về bệnh trạng của mình. Nhân ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Gavin Cloherty, Trưởng nhóm Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm tại Abbott - một trong những người được gọi là “thợ săn virus”, để hiểu thêm về các phương cách giúp đỡ các bệnh nhân HIV và mở ra một tương lai không còn nỗi lo sợ về căn bệnh “thế kỷ” này.


Giáo sư Gavin Cloherty, Trưởng nhóm Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm tại Abbott

Giáo sư Gavin Cloherty, Trưởng nhóm Nghiên cứu Bệnh lây nhiễm tại Abbott

Là một chuyên gia trong lĩnh vực “truy tìm vi rút”, chẩn đoán lây nhiễm - ông có thể chia sẻ một số thông tin về tình trạng HIV/AIDS trên toàn cầu?

Nhận thức về bệnh trạng chính là bước quan trọng đầu tiên để tiếp nhận điều trị. Ước tính hiện có gần 37 triệu người đang chung sống với HIV trên toàn cầu và chỉ ba phần tư trong số đó biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình. Nhờ có những liệu pháp kháng vi rút (ART), 58% những người không may nhiễm HIV hiện nay đã có nhiều cơ hội sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Nguy cơ lây nhiễm cũng theo đó mà đang trên đà giảm dần. Tuy nhiên, vi rút HIV không ngừng biến hóa thành nhiều chủng khác nhau, khiến việc chấm dứt nạn dịch thế kỷ trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Có khoảng 9.25 triệu người trên thế giới mắc HIV mà không biết bệnh trạng của mình
Có khoảng 9.25 triệu người trên thế giới mắc HIV mà không biết bệnh trạng của mình

Trong suốt hơn 30 năm qua, Abbott đã nỗ lực nghiên cứu và chẩn đoán nhằm xác minh các chủng loại mới này để chống lại đại dịch HIV/AIDS. Chúng tôi tự hào vì Abbott là đơn vị phát triển xét nghiệm máu HIV đầu tiên đã được công nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) vào năm 1985. Không lâu sau, hàng loạt các xét nghiệm này liên tục được nhân rộng để chăm sóc những người có nguy cơ nhiễm HIV hoặc đã nhiễm bệnh.

Vậy việc xét nghiệm sớm quan trọng như thế nào đối với phác đồ điều trị HIV/AIDS thưa ông?

Một kết quả xét nghiệm HIV sớm và chính xác rất quan trọng để giúp các chuyên gia y tế điều trị hiệu quả cũng như phòng chống lây lan. Để đạt được mục tiêu 90-90-90*, mọi người cần được tiếp cận các công nghệ xét nghiệm, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Abbott đang thực hiện lưu mẫu máu khô trên một chất liệu giấy đặc biệt để chuyển đi xét nghiệm mà không cần đông lạnh lập tức, giúp các bác sĩ lâm sàng tăng khả năng kiểm soát phản ứng điều trị.

Ngoài ra, Abbott cũng đang phát triển hệ thống chẩn đoán nhanh, nhằm can thiệp kịp thời bằng một loạt danh mục kiểm tra toàn diện liên tục và rộng khắp. Tại vùng cận sa mạc Sahara, chúng tôi cung cấp phần lớn các công cụ sàng lọc, theo dõi và kiểm soát HIV để giúp người bệnh tiếp nhận chăm sóc điều trị cần thiết.

Một vấn đề khác cũng cần được đề cập chính là việc chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh. Các báo cáo cho biết gần một nửa các bé dương tính với HIV không được tiếp nhận điều trị kịp thời đã tử vong trước khi được 2 tuổi. Abbott cũng đang tìm cách phát triển những xét nghiệm sớm và phù hợp cho trẻ sơ sinh và cho kết quả trong ngày để các bé được tiếp nhận điều trị sớm hơn.

Tại Việt Nam, có những công cụ chẩn đoán lâm sàng nào của Abbott có thể xét nghiệm được HIV thưa ông?

Tại Việt Nam, Abbott có rất nhiều phương thức xét nghiệm HIV như Alinity và ARCHITECT, là các thiết bị hiện đang được dùng để sàng lọc hơn 60% nguồn máu toàn cầu. Những xét nghiệm này luôn được nâng cấp từng ngày để phục vụ cho những dự án nghiên cứu thuộc Chương trình Giám sát Virus Toàn cầu (Abbott Global Viral Surveillance). Chúng tôi rất tự hào khi các giải pháp sàng lọc của của chúng tôi đã góp phần thay đổi cuộc sống của mọi người ở khắp mọi nơi.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những dự án đang được thực hiện tại Việt Nam được không?

Để chống lại HIV và ngăn chặn đại dịch AIDS, chúng tôi đang triển khai chương trình ở 9 quốc gia, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Nepal, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang thực hiện các dự án nghiên cứu HIV ở những khu vực có nguy cơ cao. Những kết quả đầu tiên đã phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV cao với tỷ trọng ca nhiễm mới là 35.7% trong vòng 6 tháng ở những người đồng tính nam và chuyển giới nam tại Hà Nội. Kết quả này đã được chia sẻ tại Diễn đàn Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp (PEPFAR) để hỗ trợ tăng quy mô dự phòng phơi nhiễm tại Việt Nam và giảm thiểu số ca nhiễm mới tại các vùng trọng điểm.

Vậy đâu là những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt để đạt mục tiêu 90-90-90* thưa ông?

Tuy Việt Nam là quốc gia Châu Á tiên phong cam kết mục tiêu 90-90-90* vào năm 2014, một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 đã chỉ ra rằng việc lây nhiễm qua đường tình dục giữa nam và nam bị bỏ sót. Theo UNAIDS, chỉ 65,7% những người đồng tính nam hoặc có quan hệ tình dục với nam biết tình trạng phơi nhiễm của mình, nghĩa là có đến 1/3 trên tổng số không nhận thức được bệnh trạng của mình để tiếp nhận điều trị kịp thời.

Theo ông, liệu có cách nào để chấm dứt nạn dịch HIV/AIDS ở Việt Nam không?

Mọi người thường nghĩ mình khỏe nên ít khi chủ động thực hiện kiểm tra HIV. Tuy nhiên, xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Năm 2009, chúng tôi đã phát hiện ra chủng HIV nhóm P trong mẫu máu của một phụ nữ Cameroon trên đường đến Pháp. Trong khi mọi thiết bị đều xác nhận người phụ nữ này âm tính với HIV thì hệ thống của chúng tôi đã phát hiện mầm bệnh mới ở cô ấy.

Điều này chứng tỏ rằng rất khó để đánh bại sự đa dạng chủng loại của vi rút nhưng nếu chúng ta không thể phát hiện ra chúng thì cũng không thể điều trị. Một kết quả xét nghiệm nhanh và chuẩn xác là chìa khóa để liên đới người bệnh với phác đồ điều trị và ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Để giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu của UNAIDS, chúng ta cần huy động tất cả các nguồn lực, đặc biệt là xét nghiệm.

Vậy mối quan hệ hợp tác giữa Abbott và chính phủ Việt Nam để ngăn chặn đại dịch thế kỷ này hiện ra sao thưa ông?

Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với Viện Huyết Học và Truyền Máu Trung ương để xác minh tỷ lệ nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: Syphilis, HSV-2, Neisseria gonorrhea và Chlamydia trachomatis, các yếu tố nguy cơ liên quan đến HIV cũng như tỷ lệ lây nhiễm qua quan hệ tình dục nam-nam ở Hà Nội.

Abbott đang thực hiện những nghiên cứu trên toàn quốc để giúp Việt Nam tầm soát sự lây lan của HIV và ngăn chặn đại dịch AIDS
Abbott đang thực hiện những nghiên cứu trên toàn quốc để giúp Việt Nam tầm soát sự lây lan của HIV và ngăn chặn đại dịch AIDS

Các hoạt động này thuộc Chương trình Giám sát vi rút Toàn cầu của Abbott, được ra đời vào năm 1994 nhằm mục đích kiểm soát sự biến đổi đa dạng của vi rút HIV trên toàn cầu để đảm bảo tất cả các xét nghiệm luôn được cập nhật. Với hơn 70,000 mẫu nghiệm được thu thập trong suốt hơn 20 năm qua từ 45 nước ở 6 châu lục khác nhau, chúng tôi đã và đang truy tìm những chủng loại biến đổi, thách thức khả năng xét nghiệm lâm sàng của bản thân và không ngừng cải thiện công nghệ xét nghiệm. Đến nay, hơn 100 nghiên cứu đã được công bố trên toàn cầu thông qua chương trình này.

Chúng ta đang sống trong một “ngôi làng toàn cầu” - nơi mà các chủng loại virus biến đổi vô cùng nhanh chóng, nên việc tìm kiếm và phân loại sự đa dạng của chúng là điều tối cần thiết để đảm bảo chất lượng của các công cụ xét nghiệm.

*90-90-90 là mục tiêu của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS) được phát động trên toàn cầu, với ý nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. Năm 2014, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á tham gia cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2030 như Liên Hiệp Quốc đề ra.

Quỳnh Nguyễn