1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Triệu chứng bệnh lý và cách phòng bệnh Amip “ăn não”

(Dân trí) - Trước nhiều thông tin cho rằng có khả năng xuất hiện loại Amip “ăn não” đáng sợ làm tử vong người tại Việt Nam, TTƯT.BS Nguyễn Võ Hinh (Nguyên là GĐ TT Phòng chống sốt rét KST-CT TT-Huế đã cho Dân trí biết thêm một số dấu hiệu bệnh lý và cách phòng bệnh.

Các trường hợp bệnh ghi nhận

Theo thống kê báo cáo ghi nhận tại Mỹ, bệnh nhân bị nhiễm bệnh do loại ký sinh trùng amíp "ăn não" gây chết người Naegleria fowleri rất hiếm gặp và mỗi năm chỉ có khoảng từ 2 - 3 trường hợp tử vong. Trong thời gian từ năm 1995 -2004 có ít nhất 23 người bị tử vong do loại ký sinh trùng amíp này gây ra. Số bệnh nhân tử vong nhiều nhất được ghi nhận trong năm 1980 là 8 trường hợp. Đây là một loại bệnh có tỷ lệ tử vong cao chiếm từ 95 - 98% và nhắm vào các đối tượng thanh thiếu niên, trẻ em.

Loại amíp Naegleria fowleri “ăn não người” gây tử vong

Loại amíp Naegleria fowleri “ăn não người” gây tử vong

Gần đây, vào ngày 17/82011, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác nhận cũng đã có 2 người tử vong do bị nhiễm loại ký sinh trùng amíp hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm này. Hai ca tử vong gồm một trẻ em 9 tuổi ở bang Virginia và một thiếu niên 16 tuổi ở bang Florida.

Thời gian trước đó, Giáo sư Michael Beach, một chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nghiên cứu về các chứng bệnh bắt nguồn từ nước cho biết có một trường hợp thanh niên ở bang Arizona tên là Aaron bị nhiễm loại amíp Naegleria fowleri từ năm 14 tuổi nhưng đến khi 17 tuổi mới qua đời. Ông David Evans, người cha của bệnh nhân này cho biết chẳng ai phát hiện được con trai ông bị mắc bệnh gì, chỉ thấy Aaron thỉnh thoảng kêu nhức đầu. Sau khi tiến hành nhiều xét nghiệm khác nhau, các bác sĩ đi đến kết luận bệnh nhân Aaron bị nhiễm amip Naegleria fowleri khi bơi lội tại hồ nước nông nhân tạo Havasu gần sông Colorado, đoạn từ bang Arizona đến California.

TTƯT. BS. Nguyễn Võ Hinh
TTƯT. BS. Nguyễn Võ Hinh

Triệu chứng bệnh lý và cách phòng bệnh

Giáo sư Michael Beach cũng cho biết amíp Naegleria fowleri là loại amíp ưa nhiệt, khi nhiệt độ tại các hồ nước ấm dần lên chúng sẽ hoạt động mạnh hơn. Người bệnh có thể bị nhiễm amíp Naegleria fowleri khi tắm hồ, suối nước nóng, thậm chí tại các bể bơi không được làm vệ sinh tốt, đặc biệt là khi dùng chân khuấy đảo các chất dưới đáy hồ, bể bơi lên. Nếu chẳng may để nước xộc lên mũi sẽ là cơ hội để amíp Naegleria fowleri xâm nhập vào cơ thể con người. Sau khi đã bám được vào màng nhầy của mũi, amíp Naegleria fowleri tìm cách tiêu diệt các tế bào tại đó rồi tiếp tục xâm nhập lên não. Tại não người, loại amíp Naegleria fowleri hầu như không di chuyển tiếp tục mà tồn tại, ký sinh ở đó và chủ yếu sống bằng nguồn dinh dưỡng nhờ ăn các tế bào não.

Amíp
Amíp Naegleria fowleri có mặt ở ao, hồ, sông, suối nước nóng

Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh nhân khi bị nhiễm loại amíp Naegleria fowleri thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị amíp Naegleria fowleri phá huỷ nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong.

Hiện nay tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tìm ra được loại thuốc có thể ngăn chặn amíp Naegleria fowleri nhưng chưa điều trị thành công được một trường hợp nào trên các bệnh nhân bị nhiễm loại amíp Naegleria fowleri.

Giáo sư Michael Beach cùng khuyến cáo mọi người không nên hoảng hốt trước tình hình loại amíp Naegleria fowleri “ăn não” vì hiện nay chỉ mới phát hiện được ở số ít người thường hay tắm ở các hồ nước cạn. Hiện tại chưa có một phương pháp hay một loại thuốc nào điều trị có hiệu quả cho những người bị nhiễm loại amíp Naegleria fowleri này. Đặc thù chỉ mới có một trường hợp sống sót được ghi nhận vào năm 1978.

Bảng cảnh báo vùng hồ có thể nhiễm amip
Bảng cảnh báo vùng hồ có thể nhiễm amip Naegleria fowleri (Ảnh: soakersforum.com)

Cách phòng bệnh tốt nhất là chỉ nên tắm, bơi, lặn ở những nơi nước sạch và sử dụng dụng cụ kẹp mũi bảo vệ khi bơi, lặn trong các hồ nước có nguy cơ có mầm bệnh.

Đại Dương
(ghi theo lời của TTƯT . BS. Nguyễn Võ Hinh - nguyên là Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Thừa Thiên - Huế)