Trị mụn trứng cá bằng công nghệ laser

Mụn trứng cá ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp gương mặt và tâm lý, nhất là khi mụn để lại những vết sẹo trên khuôn mặt. Riêng chuyên ngành thẩm mỹ còn trị liệu bằng quang học, có thể kết hợp với các phương pháp bôi thuốc ngoài da, thuốc uống, thuốc chích, lột da mặt... để rút ngắn thời gian điều trị.

Theo TS-BS Trần Thị Anh Tú, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, trị liệu quang học đang áp dụng tại Việt Nam hầu hết dùng tia sáng công suất thấp để tác động vào vi khuẩn P.Acnes gây ra mụn trứng cá.

 

Để điều trị tận gốc mụn trứng cá, trị liệu quang học phải tác động trực tiếp vào tuyến bã để ngăn chặn phát sinh nhiều bã nhờn và hiện chỉ mới có công nghệ laser thế hệ mới CT3 - là loại laser công suất cao Nd-YAG xung dài (20 ms), bước sóng 1320 nm, đã được tổ chức FDA Mỹ xác nhận có hiệu quả và được chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ để điều trị mụn, xóa sẹo mụn trứng cá...

 

Laser CT3 có thể đi xuyên qua da, tác động mạnh vào tuyến bã nhưng không hủy hoại lớp da bên ngoài là nhờ đầu chiếu có 1 đầu xịt hơi lạnh (cryogen), 1 đầu kiểm soát nhiệt độ da khi chiếu tia. Đầu xịt hơi lạnh giúp hạ thấp nhiệt độ, nhằm bảo vệ lớp da bề mặt. Đầu kiểm tra nhiệt độ được nối với computer, giúp bảo đảm lớp da bề mặt không bị quá nhiệt gây tổn thương; nếu nhiệt độ bề mặt da vượt quá 45oC, computer sẽ ngăn chặn máy phát tia...

 

Ngoài ra, laser CT3 còn được ứng dụng rất hiệu quả trong một số điều trị thẩm mỹ khác như: kích thích tăng sinh collagen trong lớp bì, làm căng lớp da quanh sẹo mụn, xóa sẹo mụn, làm đầy dần sẹo lõm, xóa vết rạn ở da bụng, đùi hoặc nếp nhăn ở vùng mặt, cổ...

 

Để trị mụn trứng cá, người ta thường chiếu laser CT3 mỗi tuần một lần, liên tục trong khoảng 6 tuần. Trường hợp xóa sẹo mụn, vết rạn nhăn..., collagen được sản sinh sau khi chiếu tia khoảng 1 tuần và kéo dài cho đến nhiều tuần sau đó. Kết quả sẽ thấy rõ sau khoảng 3 - 6 lần chiếu, mỗi lần cách nhau 1 tháng.

 

Theo Người lao động