Trị hen: Chớ tin lang vườn!

Mặc dù bệnh hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng sự hiểu biết của người bệnh về việc điều trị và kiểm soát cơn hen còn nhiều hạn chế.

Tiêm thuốc chứa corticoid, uống kháng sinh hay nuốt giun, ăn sống thạch sùng, uống mật cá… là những cách mà nhiều người đã áp dụng để chữa bệnh hen. Những cách điều trị này đã khiến bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp suýt mất mạng.

Lãnh đủ từ những bài thuốc kinh dị

Cách đây ít ngày, bệnh nhân N.T.Đ (52 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) được chuyển vào điều trị tại Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng khó thở, phù giữ nước, mặt đỏ, mọc lông ở mặt và chân tay…

Theo bệnh nhân Đ., phát hiện mình mắc bệnh hen, bà chạy chữa bằng thuốc nam ở nhiều nơi nhưng chỉ đỡ được một thời gian rồi bệnh lại tái phát. Từ mách bảo của hàng xóm, bà uống thuốc Prednisolon trị hen. Chỉ ít ngày dùng thuốc, bà Đ. thấy người khỏe khoắn, ăn ngon, ngủ ngon và không còn bị những cơn khó thở hành hạ. Vì thế, mấy năm nay, ngày nào bà Đ. cũng “làm” 2 viên Prednisolon.

Cách đây không lâu, bà lên cơn khó thở nặng phải nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị tăng huyết áp, loét dạ dày, suy tuyến thượng thận, loãng xương trên nền bệnh hen sẵn có. Theo các bác sĩ, việc tùy tiện sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài khiến bệnh biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ đang trao đổi với bệnh nhân bị hen có biến chứng
Bác sĩ đang trao đổi với bệnh nhân bị hen có biến chứng

Trong khi đó, bệnh nhân H.T.V (62 tuổi, ở Phú Thọ) bị hen phế quản phải nhập viện cấp cứu sau một đợt dùng thuốc “gia truyền” không rõ nguồn gốc. “Hơn 1 năm uống thuốc và vài lần tiêm, tôi thấy đỡ đau hẳn, người lại béo lên. Gần đây, toàn thân bị rạn da, mặt to, tròn, bụng to…, tôi đi khám mới biết loại thuốc mình uống và tiêm có chứa corticoid khiến cơ thể giữ nước”, bệnh nhân V. kể.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai, cho biết thời gian qua, trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì tự chữa bệnh hen phế quản bằng những bài thuốc “rỉ tai” hoặc những lời đồn đại. Ngoài những biến chứng nghiêm trọng do tùy tiện sử dụng “thần dược” corticoid điều trị hen, nhiều bệnh nhân còn nhập viện cấp cứu do những bài thuốc kinh dị như nuốt giun đất, nhau thai mèo, thạch sùng sống, uống mật cá để chữa hen.

“Dù chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định uống mật cá trắm sẽ chữa được bệnh hen nhưng rất nhiều người đã áp dụng phương này, thậm chí có cháu bé sau khi uống mật cá trắm để chữa hen, men gan tăng cao gấp trăm lần bình thường, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy phải nhập viện cấp cứu”, PGS Đoàn cảnh báo.

Di họa nặng nề

Theo PGS Nguyễn Văn Đoàn, đáng lo ngại là rất nhiều bệnh nhân mắc hen phế quản sử dụng corticoid để trị bệnh. Có những trường hợp sau khi xuất hiện các triệu chứng phải nhập viện mới biết là do trong các viên thuốc hoàn, gói thuốc bột uống hằng ngày có corticoid được trộn thêm vào để triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm.

“Thực tế, chúng tôi đã gặp những thanh niên 17-18 tuổi có vẻ ngoài rất bình thường nhưng bộ phận sinh dục chỉ như bé trai 7-8 tuổi. Hay những phụ nữ còn rất trẻ nhưng toàn thân lại mọc lông, ria mép xanh rì như nam giới... Đây đều là những trường hợp lạm dụng corticoid trong điều trị hen”, PGS Đoàn dẫn chứng.

GS.TS Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp thuộc BV Bạch Mai, cho biết trong khoảng 4 triệu người Việt Nam bị hen phế quản, mới chỉ có khoảng 40% bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, được điều trị kiểm soát cơn hen và dự phòng tái phát. Lên cơn hen gây khó thở nặng, người bệnh có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào nhưng trên thực tế, nhiều người khi có các cơn ho, khó thở, tức ngực lại tự điều trị bằng thuốc lá, lang vườn. “Hiện có nhiều thuốc giúp điều trị hen rất tốt. Nếu được điều trị đúng phác đồ, khoảng 5% người bị hen khỏi hoàn toàn và khoảng 40% bệnh nhân hen kiểm soát tốt cơn hen của mình”, GS Châu lưu ý.

Để kiểm soát tốt bệnh hen, PGS Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo người bệnh hen cần tránh xa các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn hen như phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm mốc...; sử dụng thuốc dự phòng hằng ngày đúng cách theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, tránh tình trạng thấy hết triệu chứng là tự dừng thuốc.

Trẻ mắc hen dễ nhầm với viêm đường hô hấp

PGS Nguyễn Văn Đoàn lưu ý ở trẻ nhỏ, việc phát hiện bệnh hen tương đối khó vì bệnh có dấu hiệu giống các bệnh viêm đường hô hấp nên đôi khi bị chẩn đoán nhầm. Do đó, khi trẻ ho khò khè, khó thở tái phát nhiều lần liên quan đến thay đổi thời tiết và không có sốt (khác với các bệnh nhiễm khuẩn) thì nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, đúng cách nhằm tránh ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, trí tuệ và chiều cao do não thiếu ôxy. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu trẻ em không được điều trị hen thì cả cuộc đời chiều cao giảm đi 3 cm nhưng nếu được điều trị đầy đủ, chiều cao chỉ giảm 0,5-1 cm.

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm