1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trên 80% bà mẹ biết giới tính thai trước sinh

(Dân trí) - Dù luật cấm tiết lộ giới tính thai, nhưng có đến 81,3% bà mẹ biết giới tính thai trước sinh. Vì "khát” con trai nên tình trạng chênh lệnh giới tính sau sinh ở Việt Nam rất cao, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Tương lai không xa, nhiều đàn ông Việt sẽ khó lấy vợ.

Đó là thực trạng được TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình cảnh báo tại hội thảo về mất cân bằng giới tính tại Việt Nam diễn ra ngày 12/6.

“9 lại thích hơn 10”

Ông Trọng cho biết, tình trạng bất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang tăng lên hàng năm. Năm 2010, con số này là 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2011 tăng lên 111,9 trẻ trai/100 trẻ gái và đến năm 2012 con số này là 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Xu hướng này xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Đặc biệt khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ở ngay lần sinh đầu còn khu vực nông thôn chỉ xuất hiện từ lần sinh thứ hai tở đi. Tỉ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên rất cao, 120 bé trai/100 bé gái với cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Trước đó, giai đoạn từ năm 1999 đến 2005, xu hướng biến động tỉ số giới tính khi sinh chỉ dao động trong khoảng 104 - 109 bé trai/100 bé gái.
 
Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái.

Nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là sự tồn tại của định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ…”Trước đây, ông bà ta còn mong muốn có con giai nhiều hơn chúng ta, nên khi sinh con gái, họ đẻ liên tục. Có gia đình cả 10 người con gái nhưng cũng có gia đình cả 10 người con trai nên không có sự chênh lệnh. Nhưng hiện nay, người dân mong muốn và có điều kiện là các phương pháp y tế để họ lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới ngày càng tăng”, TS Trọng nói.

Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được các chuyên gia dự báo, đó là sẽ thiếu 2,3 - 4,3 phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vào năm 2050. Kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này không chỉ tư tưởng Á đông thích con trai hơn con gái mà còn có cả sự “góp sức” của các kỹ thuật y tế hiện đại. Ngày càng có nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Gần 83% phụ nữ ở thành phố biết giới tính con trước sinh, ở nông thôn tỉ lệ này là gần 75%.

Trình độ học vấn của phụ nữ càng cao khả năng biết giới tính thai nhi trước sinh càng lớn. Tỉ lệ phụ nữ chưa đi học biết giới tính con trước sinh chỉ 32,4% trong khi người có trình độ là 83,5%. Vùng đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi từ 12 - 16 tuần cao nhất cả nước.

Đến 99% phụ nữ biết giới tính khi sinh bằng các phương pháp siêu âm, công cụ chẩn đoán giới tính hiện đại và hiệu quả. Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái, còn số phụ nữ muốn sinh con trai thì gấp 3 lần. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng tỉ lệ phụ nữ mong sinh con trai cao nhất cả nước (38%).

Càng giàu, học vấn càng cao càng có cơ hội lựa chọn giới tính thai, vì thế, tỉ số chênh lệch giới tính sau sinh càng cao.

“Trước ông bà sinh gái trước, giai sau thì mới đạt điểm 10. Còn nay, người dân chỉ mong muốn đạt điểm 9. Con đầu cứ phải trai trước cho chắc, đến đứa thứ 2, trai gái đều được”, TS trọng nói.

Hệ lụy “mâm trên - mâm dưới”

Tại Hội nghị, một cán bộ của Bộ Lao động - thương binh xã hội chia sẻ, định kiến phân biệt đối xử với phụ nữ quá sâu sắc ở nhiều vùng quê. Như tại huyện Tương Dương, Nghệ An, nếu không sinh được con trai, người chết ở đây sẽ bị đem ra thờ ở một cái am giống như cái chuồng nuôi chim bồ câu ở ngoài vườn.

Và cũng vì cái “mâm trên - mâm dưới”, người đàn ông sinh con gái một bề đi ăn cỗ bị chế giễu, xếp ngồi mâm dưới mà lắm anh “nóng gáy”, cay mũi ép vợ sinh con trai bằng được.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng  Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS cho biết, Viện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường, sức khỏe và dân số CREGPA thực hiện nghiên cứu về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Việt Nam trên 1.400 nam giới tại 2 tỉnh Hưng Yên và Cần Thơ năm 2011 (2/3 sống ở nông thôn). Kết quả cho thấy, sự ưa thích con trai ăn sâu vào tư tưởng, truyền thống trong xã hội Việt Nam.

74% người được hỏi cho biết việc có ít nhất 1 con trai là quan trọng. Lý do có con trai là để thờ cúng tổ tiên (69%) và chăm sóc cha mẹ già (49%). Đáng lưu ý có đến 41% đàn ông khẳng định “là cha của bé trai chứng tỏ là một người đàn ông thực thụ”, khiến anh ta oai vệ hơn, có uy tín hơn trong cộng đồng... Ngược lại, nam giới và phụ nữ không có con trai thường phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình và phải chịu đựng sự mỉa mai, trêu chọc và xúc phạm của cộng đồng.

Theo nghiên cứu, 13% nam giới đổ lỗi cho phụ nữ vì giới tính của con. Có đến 10% đàn ông thấy bất hạnh nếu không có con trai, 10,3% cho rằng không có con trai là do nghiệp chướng, do ăn ở không có luân lý đạo đức…

4% nam giới được hỏi cho biết vợ không đẻ được con trai là lý do chính đáng để người chồng và gia đình chồng ép buộc ly hôn, 2,2% cho biết cần phá thai nếu mang thai là gái…

Theo TS Trọng, để giải quyết tình trạng này, giải pháp truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức hành vi là quan trọng nhất.. Nếu không còn mong muốn bắt buộc có con giai thì sẽ không có những hệ lụy tiếp theo. Tuy nhiên, để thay đổi được, phải có thời gian rất dài.

Đồng thời phải tăng cường giải pháp thực thi pháp luật. Bởi thực tế, việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Như việc biết trước giới tính thai nhi là vi phạm pháp luật, tuy nhiên đến 2012 vẫn còn 81,3% người biết trước giới tính thai.

Giải pháp thứ 3 là thực thi chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con một bề. “Tôi cho là đây là một giải pháp quan trọng, tỏ rõ tính hiệu quả của nó, khi mà việc thực thi pháp luật trong thời gian qua còn chưa mang lại hiệu quả, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi cần có thời gian”, TS Trọng nói.

Hồng Hải