Trên 1.000 trẻ em tử vong hàng năm do viêm phổi

(Dân trí) - Liên minh Toàn cầu Phòng chống Viêm phổi Trẻ em kêu gọi những hành động cấp thiết để kết thúc tình trạng tử vong do căn bệnh hoàn toàn có thể tránh khỏi này vào năm 2030.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, mà nguyên nhân hàng đầu là do phế cầu khuẩn. Mỗi ngày có 2.500 trẻ tử vong vì viêm phổi, gần 1 triệu ca tử vong hàng năm, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong ở độ tuổi này1.

Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có đến 2,9 triệu lượt mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành Y tế.

Trên 1.000 trẻ em tử vong hàng năm do viêm phổi

Đáp lại lời kêu gọi từ Liên minh Toàn cầu Phòng chống Viêm phổi Trẻ em, nhân Ngày Phòng chống Viêm phổi Thế giới 12/11, Hội Y học Dự phòng đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em” với sự tham dự của BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Buổi tọa đàm nhằm mục đích cung cấp kiến thức, nâng cao sự hiểu biết của mọi người về bệnh viêm phổi cũng như vi khuẩn phế cầu – tác nhân hàng đầu gây viêm phổi, cùng tác hại của các bệnh lý khác do phế cầu gây ra; từ đó đưa ra phương pháp phòng ngừa, chung tay cùng cộng đồng quốc tế phòng chống, đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ em Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc-xin ngừa phế cầu trong việc góp phần giảm thiểu gánh nặng xã hội do bệnh viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

Bởi phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Số liệu điều tra của một số nghiên cứu tại Việt Nam thời gian 1990 – 2003 cho thấy, có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng, trong đó tỷ lệ ở trẻ dưới 5 tuổi là 60% và từ 26% - 83% các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính có nguyên nhân là phế cầu. Vi khuẩn thường được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người.

Triệu chứng bệnh bao gồm ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm; là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Nhân Hà