Trẻ viêm ruột thừa dễ nhầm bệnh khác

Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ thường khó khăn hơn người lớn do dễ nhầm lẫn với một số bệnh cũng có các triệu chứng tương tự. Bản thân các cha mẹ và nhiều bác sĩ đôi khi chủ quan trong lần thăm khám đầu tiên.

 

Trẻ viêm ruột thừa dễ nhầm bệnh khác - 1


Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi suýt chết vì những cơn đau bụng. Bé đau từ đêm trước, kèm theo sốt nhẹ và ói hai lần ra thức ăn. Sáng sớm, mẹ bé đưa đến một bác sĩ gần nhà khám với chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hoá, dặn dò cho uống thuốc theo toa. Tuy nhiên đến chiều, bé đau nhiều hơn nên gia đình phải đưa vào Nhi Đồng 2.

 

Theo lời mẹ bé kể lại, thấy con than đau bụng, buồn nôn nên cứ nghĩ bị rối loạn tiêu hoá như thường lệ. Chẳng dè lần này khác hơn, bé đau đến mức đi cứ khòm lưng và ôm bụng bên phải. Tại bệnh viện, sau khi tiến hành một số xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận bé bị viêm ruột thừa, điều mà gia đình bé cũng như vị bác sĩ trước đó không nghĩ đến.

 

Những dấu hiệu điển hình cần biết

 

Sự việc kể trên có thể nói là tiêu biểu cho các trường hợp bỏ sót bệnh viêm ruột thừa, vốn xảy ra khá phổ biến, do bệnh cảnh dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hoá hay gặp ở trẻ. Ngoài ra, một số người còn nghĩ rằng viêm ruột thừa chỉ xảy ra ở người lớn. Thật ra, viêm ruột thừa thường xảy ra ở trẻ lớn hoặc ở tuổi dậy thì, với tần suất cao nhất từ 12 đến 18 tuổi, tỷ lệ ở trẻ trai là 8% và ở trẻ gái là 6% nhưng cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ và thậm chí ở trẻ nhũ nhi dưới hai tuổi với một suất độ thấp hơn. Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ruột có thể vỡ trong vòng 6 - 24 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, dẫn đến viêm phúc mạc với các biến chứng khó lường.

 

Thông thường, ruột thừa nằm ở hố chậu phải của ổ bụng nhưng cũng có thể thay đổi vị trí bất thường như nằm sâu dưới vùng chậu, dưới gan, hoặc đôi khi nằm bên hố chậu trái. Vì cấu trúc là một hình ống, nên khi bị tắc nghẽn bên trong lòng ống sẽ gây nên biến chứng viêm ruột thừa. Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau bụng, ban đầu đau ở xung quanh rốn, sau đó chuyển sang vùng bụng dưới phía bên phải (hay còn gọi là hố chậu phải) kèm theo các triệu chứng như cảm giác chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, sốt cao và căng cứng cơ bụng. Mức độ đau tăng lên khi bé di chuyển, ho, hắt hơi và thở sâu. Khi thăm khám nhận thấy phía phải bụng dưới (nơi vị trí ruột thừa) sẽ đau khi ấn vào. Trong giai đoạn đầu vừa khởi phát, bé hay sốt nhẹ khoảng 38,5 độ C. Ở giai đoạn muộn, đã hoá mủ, hoại tử, hoặc đã thủng thì cảm giác đau bụng của bé tăng lên, phạm vi bị đau không còn khu trú ở hố chậu phải mà lan rộng khắp bụng, kèm theo sốt cao 39 – 40 độ C. Lúc ấy ấn vào bụng, cơ bụng căng cứng mà các bác sĩ thường gọi là phản ứng thành bụng hoặc sờ thấy một khối u phía bên phải bụng dưới.

Cẩn trọng khi khám trẻ bị đau bụng

 

Đối với trẻ em, tất cả các bệnh lý đều biểu hiện bên ngoài bằng các dấu hiệu của đường tiêu hoá và hô hấp. Chẳng hạn bé bị nhiễm trùng tiểu cũng có thể biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng và tiêu chảy, hoặc như bé sốt xuất huyết cũng có thể biểu hiện bằng đau bụng. Chính vì vậy, các bác sĩ nhi khoa phải hết sức cẩn trọng khi khám một bệnh nhi bị đau bụng để không bỏ sót các trường hợp viêm ruột thừa. Đặc biệt, các triệu chứng của viêm ruột thừa sẽ mất đi nếu phụ huynh đã cho trẻ dùng thuốc kháng sinh trước đó.

 

Trẻ càng nhỏ tuổi việc xác định vị trí đau bụng càng khó khi thăm khám. Trẻ thường kêu đau ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn nên người nhà dễ nhầm là đau bụng do giun. Sau đó vị trí đau có thể khu trú chủ yếu ở hố chậu phải. Đau có tính chất âm ỉ nên khi ruột thừa vỡ thì mức độ đau tăng lên và trẻ quấy khóc nhiều hơn. Nhiều trẻ còn có thêm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, đi phân lỏng, nhưng cũng có trường hợp lại táo bón. Hoặc đôi khi ruột thừa nằm bất thường cạnh bàng quang gây ra các triệu chứng như tiểu lắt nhắt, tiểu đau. Có trường hợp các bé chỉ khóc, bỏ ăn uống hoặc biếng ăn, không cho người lớn đụng vào vùng bụng hoặc rất sợ người lớn đụng vào bụng. Đặc biệt với trẻ nhỏ dưới hai tuổi, viêm ruột thừa sẽ rất khó chẩn đoán vì triệu chứng đau bụng mơ hồ và khó phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng rối loạn tiêu hoá.

 

Chẩn đoán xác định viêm ruột thừa ở trẻ thường chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và qua thăm khám. Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm, X-quang… chỉ có giá trị gợi ý, tham khảo. Bác sĩ không thể chỉ dựa vào một vài chỉ số cận lâm sàng mà kết luận là viêm hay không viêm ruột thừa. Cũng chính vì những triệu chứng của viêm ruột thừa ở trẻ đôi khi rất mơ hồ nên có một số cha mẹ chủ quan hoặc do thiếu kiến thức nên cho rằng trẻ bị rối loạn tiêu hoá, tự mua thuốc cho trẻ uống. Điều này càng làm lu mờ các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán; thậm chí có không ít trường hợp cứ cho là con mình bị đau bụng giun nên tự mua thuốc giun để điều trị. Các việc làm này không những làm trẻ không khỏi bệnh mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng do viêm ruột thừa nếu xử lý trễ sẽ vỡ, gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì thế khi nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa, điều cần nhất là phụ huynh phải đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi để có những xử trí kịp thời.

 

Theo TS.BS Trương Quang Định

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm