1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ viêm hô hấp nhập viện tăng

Không chỉ do thời tiết, những quan niệm sai của bố mẹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm đường hô hấp. Virus bệnh thâm nhập vào cơ thể có khả năng bít chặt các phế quản nhỏ của trẻ khiến nguy cơ tử vong cao.

Trẻ viêm hô hấp nhập viện tăng - 1

Xếp hàng chờ khám tại bệnh viện Nhi TƯ 

80% bệnh nhi nhập viện vì viêm đường hô hấp

 

Thông tin từ Phòng khám Nhi (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho hay, một tuần trở lại đây (21 - 25/9/2009), số trẻ đến khám bệnh tăng cao, trung bình mỗi ngày khoảng 450-500 bệnh nhi. Trong số này, tới 60-70% mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bệnh nhân tập trung chủ yếu từ sơ sinh đến 3 tuổi.

 

TS Nguyễn Phạm Ý Nhi, GĐ bệnh viện cho biết thêm, một chiếc giường chỉ rộng khoảng 1m2 mà có đến 5 bé chen nhau nằm. Thậm chí, những giường bạt nằm tạm bợ ở ngoài hành lang cũng phải ghép như vậy.

 

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại BV Nhi TƯ với trung bình gần 2.000 bệnh nhi/ngày, trong đó có 110-130 ca bệnh liên quan đến đường hô hấp, khoảng 25-30 trẻ trong tình trạng nặng.

 

TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, hiện tượng tăng bệnh nhi bắt đầu trong tháng 8, tuy nhiên, từ hai tuần qua, mức độ tăng trở nên rõ rệt. Bệnh viện đã phải bố trí tăng gấp đôi lượng bác sĩ khám và chữa bệnh so với thường ngày.

 

Tại TPHCM, chỉ tính riêng ngày 21/9, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận số bệnh nhi kỷ lục: 6.442 trường hợp, trong đó, 80% là mắc các bệnh ho, sổ mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản. BV Nhi Đồng 1 có ngày cao điểm lên đến gần 7.000 trẻ, chủ yếu trong số này vẫn là trẻ có biểu hiện bệnh lý hô hấp.

 

Thậm chí, BV Nhi Đồng 2 còn biến phòng hành chính của khoa Khám bệnh thành nơi khám bệnh để kịp thời đáp ứng nhu cầu gia tăng bệnh nhi trong thời điểm giao mùa này.

 

Các chuyên gia y tế cho hay, bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ là viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Khi thời tiết bắt đầu chuyển từ nóng sang lạnh, một loại siêu vi khuẩn là rotavirus rất phát triển.

 

Virus này thâm nhập vào cơ thể sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ em. Đây là một loại virus rất nguy hiểm, có khả năng bít chặt các phế quản nhỏ của trẻ khiến trẻ suy hô hấp, có nguy cơ tử vong.

 

Uống kháng sinh bừa bãi, bị tiêu chảy!

 

Tại Khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi TƯ có rất nhiều bệnh nhi bị viêm đường hô hấp đã dùng thuốc kháng sinh và bị đi ngoài, rối loạn tiêu hóa.

 

Chị Phạm Thúy Nga (28 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy, HN) đưa con trai 20 tháng tuổi đến khám tại BV Nhi TƯ tỏ ra lo lắng: Cứ 1 tháng cháu bị viêm phế quản 1 lần, thời tiết chuyển mùa thế này thì bị triền miên. Vì thế mà cháu gần như uống kháng sinh thường xuyên. Sau mỗi đợt uống, cháu thường bị đi ngoài, rối loạn tiêu hoá mất vài ngày và rất lười ăn.

 

TS Lê Thanh Hải cho hay, không phải tất cả những trường hợp nào viêm đường hô hấp đều phải sử dụng kháng sinh, vì thế các bậc phụ huynh cũng đừng sử dụng tràn lan. “Kháng sinh rất tốt để điều trị các vi khuẩn gây bệnh nhưng đồng thời cũng phá hoại các vi khuẩn tốt sống cộng sinh trong đường tiêu hóa vốn rất yếu của trẻ”.

 

Tuy nhiên, khi cần thiết thì bắt buộc vẫn phải dùng kháng sinh cho trẻ. Có thể dùng thêm probiotic (men tiêu hóa sống) để giảm tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa của kháng sinh.

 

Cũng tại Khoa này, chúng tôi gặp cháu Trần Tiến Dũng (5 tuổi, Lạc Long Quận, Hà Nội) bị viêm mũi dị ứng. Do viêm mũi lâu ngày gây viêm xoang. Cháu bị viêm mũi (bên trái), dẫn đến mắt trái cũng bị sưng đỏ, ngứa do dị ứng. Cháu nằm viện đã 3 ngày để bác sĩ theo dõi.

 

"Các bác sĩ dặn, với bệnh viêm mũi dị ứng của con tôi thì không nên nằm điều hòa. Nhưng vì trời nóng quá, phòng ngủ lại ở tầng 3, không bật điều hòa thì không ngủ được. Nhưng đêm hôm trước trời mưa, thế là sáng hôm sau cháu Dũng có triệu chứng khó thở”, anh Trần Tiến Quân, bố cháu Dũng, cho hay.

 

Tại Khoa Tai-Mũi-Họng, bệnh viện Nhi TƯ, cháu Nguyễn Phương Linh (2 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) thường xuyên bị viêm họng. Gia đình cứ nghĩ cháu gặp thời tiết lạnh nên bị ho và đã cho uống kháng sinh nhiều nhưng không khỏi. Khi đến viện, bé được chẩn đoán là đã bị viêm amiđan mủ.

 

Theo BS Phùng Thị Phương Loan, Chủ nhiệm khoa, amiđan là một tổ chức của hệ thống miễn dịch, nếu không mắc bệnh, đây là tổ chức có lợi cho sức đề kháng của trẻ.Tuy nhiên, khi đã bị viêm nhiễm, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến khám ngay để xem có cần phải cắt hay không, tránh để tình trạng viêm amiđan kéo dài, dẫn đến có mủ, có hại cho sức khỏe của trẻ.

 

Tiêm vắc-xin phòng bệnh

 

Các chuyên gia Y tế đều cảnh báo, thời tiết giao mùa là lúc nhiệt độ và độ ẩm thay đổi nhanh, trẻ không thích nghi kịp. Việc trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp là chuyện rất bình thường, các phụ huynh không nên quá lo lắng.

 

Cách phòng bệnh tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin đầy đủ theo chương trình tiêm chủng, khi có điều kiện tiêm thêm vắcxin ngừa các bệnh nguy hiểm như: viêm màng não, thủy đậu, quai bị, rubella. Ngoài ra, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (4 nhóm thức ăn chính) để tăng cường sức đề kháng.

 

Thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường như: đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tiếp xúc với những vật dụng và đồ chơi nghi nhiễm bẩn…

 

Không chỉ do thời tiết, những quan niệm sai của bố mẹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm đường hô hấp, như: cho trẻ uống nhiều nước lạnh vào mùa nóng, tắm nhiều lần trong ngày để giảm nóng, nằm quạt máy quá lâu, để điều hòa với nhiệt độ quá thấp, cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu, ăn những thức ăn không bảo đảm vệ sinh…

 

Vào lúc sáng sớm, nếu nhiệt độ bên ngoài phòng chênh lệch nhiều với trong phòng thì không nên cho trẻ ra ngoài hoặc mở cửa một cách đột ngột.

 

Trẻ nào đang mắc bệnh thì nên nghỉ học ở nhà để tránh lây cho bé khác.

 

Theo Hải Yến

Bee.net.vn