Trẻ vị thành niên có được được hiến mô, tạng?

(Dân trí) - Ngày 6/9, Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Tại hội thảo, các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề những đối tượng nào được phép hiến mô, bộ phận cơ thể của mình.

Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, tổ chức cá nhân, nước ngoài tại Việt Nam có thể tham gia hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Thế nhưng, nhiều ý kiến đề nghị không nên lấy mô, bộ phận cơ thể người dưới 18 tuổi, vì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, tâm sinh lý của người hiến sau này, nên tốt hơn hết là chỉ nên lấy mô, bộ phận cơ thể người chết não thì hợp lý hơn.

 

Nếu lấy mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi, trong quá trình ghép khó có thể tránh được những rủi ro, có thể người được ghép thì sống, người hiến lại không được đảm bảo an toàn về tính mạng. Như thế, ghép mô, tạng lúc này không đảm bảo được tính nhân đạo.

 

Nhưng lại có ý kiến không nên loại trừ những người dưới 18 tuổi trong việc hiến mô, tạng. Bởi, trong thực tế, có nhiều người cần ghép gan, thận… nhưng không thể tìm được người cho hoặc có người cho nhưng không phù hợp với các chỉ số ghép. Trong khi đó, họ có người thân dưới 18 tuổi có cùng chỉ số ghép và tình nguyện hiến một quả thận, một phần gan… để cứu sống cha mẹ, anh em mình, nếu pháp luật không cho phép thì không thể cứu được người cần ghép.

 

Từ những ý kiến trái ngược đó, Ban soạn thảo Pháp lệnh đưa ra 2 phương án đối với việc hiến mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi, theo đó: những người đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình; và đối với người đủ 15 tuổi đến 18 tuổi, thì phải có đơn tự nguyện hiến, trong đó phải có chữ ký đồng ý của cha mẹ đẻ, chữ ký xác nhận của người làm chứng và chỉ hiến cho cha mẹ đẻ hoặc anh chị em ruột của mình thì có quyền được hiến mô, tạng.

 

Các ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo ngày 6/9 và đang được tiếp tục góp ý kiến để tiến hành chỉnh lý hoàn chỉnh Pháp lệnh Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong phiên họp tháng 9 tới, trước khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Pháp lệnh có thể sẽ được ban hành vào cuối năm nay, đáp ứng sự mong mỏi của ngành y tế trong việc ghép mô, tạng ở người bệnh.

 

Hồng Hải 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm