Trẻ mắc bị bệnh đầu nhỏ tăng gấp 20 lần từ khi có vi rút Zika
Theo các nhà khoa học Mỹ, tỷ lệ sinh trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ, các dị tật bẩm sinh khác ở thai phụ nhiễm virus Zika cao gấp 20 lần so với những phụ nữ mang thai trước khi có vi rút Zika.
Tỷ lệ sinh trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ cũng như các dị tật bẩm sinh khác ở những thai phụ nhiễm virus Zika cao hơn gấp 20 lần so với những phụ nữ mang thai trước thời điểm loại virus này bùng phát ở châu Mỹ.
Kết luận này được các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố ngày 2/3.
Các nhà khoa học thuộc CDC đã thực hiện cuộc khảo sát về tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các dị tật bẩm sinh ở các bang Massachusetts, North Carolina và Georgia trong năm 2012-2013, thời điểm trước khi vi rút Zika bùng phát tại khu vực châu Mỹ.
Kết quả cho thấy cứ 1.000 trẻ sơ sinh có 3 trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ hoặc các dị tật ở hệ thần kinh trung ương.
Tuy nhiên, khi so sánh với nhóm trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm vi rút Zika ở thời điểm năm 2016, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ trên cao hơn gấp 20 lần, tương đương cứ 1.000 trẻ có đến 60 trẻ mắc các dị tật bẩm sinh.
Theo CDC, kết quả cuộc khảo sát trên cho thấy các nguy cơ của vi rút Zika đối với phụ nữ mang thai vẫn là mối lo ngại.
Trước tình trạng này, CDC khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đến các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi vi rút Zika, và những thai phụ đang sống trong vùng dịch cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Vi rút Zika bắt đầu bùng phát tại các nước Nam Mỹ từ năm 2015 trở thành đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay.
Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về vi rút Zika do tốc độ lây truyền nhanh chóng.
Cho đến nay, vi rút Zika đã xuất hiện tại 75 quốc gia.
Hiện vẫn chưa có vaccine hay thuốc đặc trị vi rút này. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm vi rút là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.
Theo TTXVN/Vietnamplus