Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn: Đừng để quá muộn

Bệnh viêm phổi diễn biến thường nặng do phụ huynh khó phát hiện sớm vì thường quấn khăn kín cổ và ngực. Khi phát hiện thì bệnh đã trở nặng và nguy cơ tử vong cao.

Những ngày gần đây, tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, số trẻ nhập viện do mắc những bệnh nhiễm khuẩn đang gia tăng và nhập viện trong tình trạng nặng, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp và viêm màng não. Giải thích hiện tượng này, các bác sĩ cho biết do thời tiết thay đổi và cha mẹ chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của bệnh.

 

Kháng sinh giảm ho không ngừa được viêm phổi

 

Hiện mỗi ngày Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trẻ nhập viện do nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản, suyễn... Điều đặc biệt là những trẻ này đều nhập viện trong tình trạng nặng ở giai đoạn trễ phải thở ôxy bằng máy.

 

Điển hình là trường hợp bệnh nhi Đ.T.N, 10 tháng tuổi, ở Đắk Nông, đã bị viêm phổi trước khi nhập viện một tháng nhưng không được đưa vào BV. Đến khi em ho nhiều, thở nhanh và khó thở, nôn nhiều, phần bụng lõm sâu mới được mẹ em đưa đến BV Nhi Đồng  1.

 

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, cho biết thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi trùng phát triển, bên cạnh đó thời tiết cũng làm trẻ giảm sức đề kháng nên trẻ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Trẻ nhỏ hơn 5 tuổi ở những nước đang phát triển nhiễm khuẩn hô hấp từ 5 - 8 lần mỗi năm, do sức đề kháng yếu nên nguy cơ tử vong tập trung rất cao ở nhóm trẻ dưới 12 tháng tuổi.

 

Nếu cha mẹ phát hiện trẻ thở nhanh (bằng cách thấy ngực lõm và nhịp thở gấp) nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm, được uống kháng sinh trong vòng 4 giờ đầu tiên thì sẽ giảm tỉ lệ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, trên thực tế do phụ huynh hay quấn khăn cho trẻ nên khi trẻ thở nhanh không phát hiện được, đến khi trẻ tím tái, nôn ói mới được đưa đến bác sĩ chuyên khoa.

 

Có người thấy trẻ ho lại tự ý cho trẻ uống kháng sinh mà không biết rằng kháng sinh giảm ho không giúp trẻ ngừa được viêm phổi, dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc hoặc kháng thuốc làm bệnh khó điều trị và kéo dài hơn.

 

Đặc biệt, bệnh khó trị hơn khi trẻ viêm phổi đã chuyển sang giai đoạn ho có đàm. Hiện tại, việc điều trị các trường hợp nhiễm trùng do phế cầu ngày càng khó khăn do tình trạng đề kháng của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh.

 

Động kinh suốt đời do viêm màng não mủ

 

Tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 cũng đang có 20 trẻ mắc bệnh viêm màng não mủ được điều trị. BS Trưởng khoa Trương Hữu Khanh cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm màng não mủ là do trẻ mắc bệnh tai mũi họng nhưng không được chữa trị tốt và để bệnh kéo dài.

 

Xuất phát ban đầu thường là trẻ bị viêm đường hô hấp, sau đó vi khuẩn xâm nhập vào đường máu để vào màng não. Sự viêm nhiễm các vi khuẩn sẽ gây nên tình trạng sinh mủ bên trong hệ thống thần kinh trung ương.

 

 Ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi, triệu chứng của viêm màng não mủ thường không đặc hiệu nên không được phát hiện kịp thời, biểu hiện qua sốt hay hạ thân nhiệt, trẻ lừ đừ quấy khóc, xanh tái, khó thở, thóp phồng và co giật. Còn ở trẻ lớn khi mắc bệnh này thường có các triệu chứng như sốt, ói, đau đầu, cứng gáy, thóp phồng, đặc biệt là trẻ sợ ánh sáng và thay đổi tri giác. Nếu trẻ không được điều trị sớm dễ để lại di chứng động kinh sau này.

 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, viêm màng não nguy hiểm hơn so với viêm não vì di chứng của viêm não có thể được chữa trị và hồi phục còn di chứng của bệnh viêm màng não thường rất trầm trọng gây ảnh hưởng và đeo đuổi trẻ suốt đời.

 

Hiện nay việc chẩn đoán viêm màng não rất dễ dàng để từ đó các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Tại BV Nhi Đồng 1, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách chọc dịch não tủy sau đó cấy vi sinh để phân biệt viêm màng não do siêu vi với các bệnh khác ở não (như viêm màng não do lao, áp xe não, u não, xuất huyết não, viêm não).

 

Theo Nhất Phương

Người lao động