Trẻ lên 3 dậy thì, tưởng nhầm bị xâm hại

(Dân trí) - Trong lúc chăm sóc con gái 18 tháng tuổi đang bi bô tập nói, người mẹ tá hỏa khi thấy máu chảy ra từ vùng kín của con. Sau khi đưa cháu đi kiểm tra tại nhiều phòng khám, chị càng hoàng mang hơn bởi các bác sĩ đều cảnh báo nguy cơ bé bị xâm hại tình dục.

Lo sợ cho sự an toàn của con, người mẹ không dám rời mắt khỏi bé. Khoảng 1 tháng sau, tình trạng xuất huyết âm đạo của trẻ lặp lại, sợ con mắc bệnh, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM kiểm tra.

Một bé gái mới học lớp 1 tại Nga đã mang thai (ảnh minh họa: internet)
Một bé gái mới học lớp 1 tại Nga đã mang thai (ảnh minh họa: internet)

Qua thăm khám, BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận Nội tiết, đã loại trừ nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục mà xác định tình trạng xuất huyết âm đạo bệnh nhi gặp phải chính là kinh nguyệt do trẻ bị dậy thì sớm. “Đây là ca bệnh bước vào giai đoạn dậy thì ở độ tuổi nhỏ nhất được ghi nhận tại bệnh viện từ trước đến nay. Trẻ có kinh nguyệt tức là chu kỳ trứng chín và rụng, có thể mang thai như người trưởng thành” – BS Thoại Loan cho hay.

Không chỉ bé gái, gần đây nhiều bé trai cũng được phát hiện bước vào tuổi dậy thì rất sớm. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận trường hợp của một cậu bé 3 tuổi nhưng giọng ồm ồm đặc trưng của nam giới ở tuổi trưởng thành. Qua thăm khám, các bác ghi nhận, ngoài giọng nói, bộ phận sinh dục gồm dương vật và tinh hoàn của bé cũng lớn hơn so với kích thước trung bình theo độ tuổi.

Số liệu thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra, tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện dậy thì sớm đến khám gia tăng nhanh. Nếu năm 2010 chỉ có 5 trường hợp thì đến năm 2016 có khoảng 200 bệnh nhi được gia đình đưa đến nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ, ít nhất 120 ca được xác định bị dậy thì sớm đang được theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Thoại Loan cho rằng, trẻ dậy thì sớm sẽ gặp nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý. Thường những trẻ dậy thì sớm sẽ bị lùn ở giai đoạn trưởng thành do bộc phát xương vào giai đoạn sớm nên đầu xương cũng sẽ đóng sớm. Bên cạnh đó, trẻ dây thì sớm dễ bị mọi người để ý gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ; đồng thời trẻ cũng không thể xoay sở được sinh hoạt cá nhân, nhất là những bé gái khi đến kỳ kinh nguyệt, những bé gái dậy thì có thân hình phổng phao còn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại.

Những "thủ phạm" gây dậy thì sớm

Thông tin chuyên môn từ BS Loan chỉ ra: Dậy thì là do các yếu tố tác động đến vùng hạ đồi (não), tuyến yên, tuyến sinh dục. Theo quy luật vòng đời của mỗi người, tuổi dậy thì là “nữ thập tam, nam thập lục” (nữ 13 nam 16). Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, độ tuổi dậy thì đến sớm hơn, ở bé gái thường là 8 tuổi, bé trai khoảng 9 tuổi. Nhiều trường hợp đặc biệt, trẻ có thể dậy thì sớm hơn.

Về khoa học, dậy thì sớm ở trẻ tùy thuộc vào đặc tính chủng dân và tiền sử gia đình - độ tuổi dậy thì của trẻ tương đương độ tuổi của cha mẹ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học khiến trẻ thừa cân béo phì; trẻ tiếp xúc với nhiều yếu tố tác động về tính dục như phim - ảnh hoặc chính sự vô tình của cha mẹ khi để trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh quan hệ vợ chồng.

BS Thoại Loan khuyến cáo phụ huynh cần nuôi dạy con hợp lý, khoa học
BS Thoại Loan khuyến cáo phụ huynh cần nuôi dạy con hợp lý, khoa học

Dậy thì sớm có thể tùy giới tính, nếu là nữ thì 90% không có nguyên nhân, ở trẻ nam 40% bị dậy thì sớm nguyên nhân là do khối u (có thể lành tính hoặc ác tính) nằm ở vùng hạ đồi vùng não tiết ra những chất kích thích nội tiết tố khiến trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Người nhà có thể phát hiện tình trạng dậy thì ở trẻ nếu bé gái thì 100% có biểu hiện ngực to; 25-30% có kinh. Ở bé trai 100% trẻ có biểu hiện dương vật lớn, hoặc vỡ giọng.

Để tránh tình trạng dậy thì sớm ở trẻ bác sĩ Loan khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thiết lập chế độ ăn cho trẻ hợp lý, khoa học tránh nguy cơ trẻ bị béo phì; tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với các tình huống, hình ảnh quan hệ giới tính; tránh cho trẻ sử dụng những sản phẩm làm đẹp như: dầu gội đầu, sữa tắm có hoạt chất estrogen của người lớn, hạn chế ăn thịt động vật có sử dụng chất vỗ béo...

Trẻ bị dậy thì sớm hiện đã được điều trị hiệu quả bằng các giải pháp can thiệp phẫu thuật (với những trẻ bị u vùng hạ đồi) hoặc sử dụng thuốc ức chế cạnh tranh nội tiết tố (với những trẻ dậy thì không rõ nguyên nhân). Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dậy thì sớm, phụ huynh nên đưa con em mình đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Vân Sơn