1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ hiếu động hay tăng động?

Không phải đứa trẻ nào cũng có thể kiểm soát được những hành vi được cho là nghịch ngợm.

Con trai của anh N.K.M (ngụ quận 4, TP HCM) đã phải trải qua năm học lớp 2 như một học sinh cá biệt. "Mọi biện pháp phạt, dọa cấm túc, thậm chí khi nóng quá tôi đánh cháu mấy roi… đều vô hiệu" - anh kể.

Vô lớp học, cậu bé cứ lăng xăng lấy bút của bạn này nghịch, quay qua nói chuyện với bạn kia; lúc thì lại ngồi nhìn ra cửa sổ, không nghe cô giảng. Giờ ra chơi, cậu cũng bị nhắc nhở vì chạy nhảy, nghịch ngợm quá đáng.

Nghịch ngợm quá mức: Coi chừng là bệnh

Về nhà, cậu con cũng khiến anh M. đau đầu vì phá phách đủ thứ. Thậm chí, có lần "siêu quậy" này phải vào bệnh viện (BV) vì ngã cầu thang sau một trò nghịch ngợm.

Mọi chuyện chỉ được giải quyết khi cha anh M. từ miền Bắc vào thăm con, cháu. Một năm không gặp, ông thấy cháu thay đổi quá kỳ lạ nên đưa đến một bác sĩ (BS) tâm lý mà ông quen. Cậu bé được xác định mắc chứng tăng động - kém tập trung (ADHD), tuy ở mức độ nhẹ nhưng đã đủ ảnh hưởng nặng đến việc học và bị "dán nhãn" là đứa trẻ hư.

ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), định nghĩa: ADHD thường được gọi là rối loạn tăng động - kém tập trung hay tăng động - giảm chú ý. Các biểu hiện của AHHD là lăng xăng, ngọ nguậy, không chịu ngồi yên, gây ồn ào…; xao lãng, hay quên, không lắng nghe… Trẻ bị ADHD bao gồm cả những bé có IQ thấp và IQ bình thường, có thể kèm rối loạn chống đối hay rối loạn cư xử. Theo BS Triết, rất nhiều bé trước khi được đưa đến BV đã có thời gian dài bị coi như đứa trẻ hư, quá hiếu động, không biết nghe lời.

Can thiệp tâm lý cho trẻ ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Can thiệp tâm lý cho trẻ ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM

Theo một số nghiên cứu ở nước ngoài, ADHD gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái, với tỉ lệ có thể lên đến 3:1. Khi bệnh, bé trai biểu hiện sự tăng động; bé gái lại thiên về sự xao lãng, kém chú ý.

Nhiều nguyên nhân

BS chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết ADHD có thể có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân sinh học là từ các vấn đề mà người mẹ gặp phải ở thai kỳ và lúc sinh (nhiễm trùng, sang chấn, sinh non…), do cả di truyền. Nguyên nhân thuộc về tâm lý như quan hệ gia đình không tốt, ảnh hưởng đến tâm lý của bé. Trẻ sống trong môi trường có bạo lực, bị bạo hành, lạm dụng thể chất và tinh thần… cũng có thể mắc ADHD. Ngoài ra, việc giáo dục trẻ về cách ứng xử, sự lạm dụng thiết bị điện tử (xem ti vi, dùng điện thoại quá nhiều)… cũng gây tác động.

Trẻ hiếu động bình thường và trẻ tăng động ADHD thực ra có nhiều khác biệt. Theo BS Hiếu Minh, trẻ hiếu động vẫn có khả năng thích nghi được với môi trường, vẫn tuân thủ một số kỷ luật. Còn trẻ tăng động có tính xung động cao, không thể thích nghi. Khác biệt lớn nhất là trẻ hiếu động vẫn có thể kiểm soát hành vi của mình, còn trẻ tăng động thì không.

ThS-BS Minh Triết nêu một đặc điểm: Nếu trẻ chỉ tỏ ra nghịch ngợm, không nghe lời ở một môi trường thì thường đó chỉ là hiếu động. Ví dụ, trẻ ở nhà "quậy" nhưng vô trường sợ cô giáo la nên ngoan ngoãn. Riêng trẻ ADHD thường biểu hiện hành vi tăng động - kém tập trung ở 2 môi trường trở lên, như cả ở nhà lẫn ở trường.

Phải được đi khám

BS Hiếu Minh khuyên phụ huynh nên sớm đưa con đi khám bởi trẻ tăng động hay hiếu động thực ra khá khó phân biệt. Ngay cả BS chuyên khoa cũng phải qua các bước thăm khám, kiểm tra mới có thể chẩn đoán xác định.

"Hãy đưa con đến gặp BS chuyên khoa nếu như thấy trẻ bất thường, quá nghịch ngợm so với trẻ khác hoặc khi cô giáo đề nghị" - BS Minh khuyến cáo. Với trẻ ADHD, can thiệp càng sớm càng hiệu quả và đơn giản. Đa số các cháu chỉ cần can thiệp tâm lý, không cần dùng thuốc.

BS Minh Triết lưu ý rằng dù là nghịch ngợm quá mức hay bất cứ biểu hiện về tâm lý, cách ứng xử bất thường nào khiến việc học tập, sinh hoạt của trẻ bị ảnh hưởng, phụ huynh nên đưa con em đi khám. Bởi lẽ, không chỉ ADHD, trẻ có thể gặp nhiều vấn đề về tâm lý khác cần được hỗ trợ.

Tuyệt đối không đánh, mắng

BS Lâm Hiếu Minh nhấn mạnh: Dù là tăng động hay hiếu động, phụ huynh tuyệt đối không nên dùng bạo lực với trẻ. Với một em bé bình thường, hành động bạo lực của phụ huynh đã gây tác động xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Với em bé thực sự bị ADHD, có đánh, có mắng bao nhiêu cũng không thể giải quyết vấn đề - vì đó là bệnh.

Nghiêm trọng hơn, trẻ ADHD bị đánh, mắng thường bị bệnh nặng thêm. Đến khi phụ huynh thấy các "biện pháp nặng" không ăn thua, đưa trẻ đi khám thì vấn đề đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Theo Anh Thư

Người lao động