1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ em và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

(Dân trí) - Đến nay, chưa có một số liệu thống kê nào về số lượng trẻ bị bệnh tiểu đường, nhưng theo nhận định của nhiều bác sĩ, trẻ bị bệnh tiểu đường ngày càng có xu hướng tăng lên.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Ngọc Dương, khoa Nhi, Viện Quân y 103 cho biết, khi trẻ có dấu hiệu ăn nhiều, uống nhiều hơn bình thường mà vẫn sút cân, bố mẹ nên cho con đi khám để xác định trẻ có bị tiểu đường không.

 

Tiểu đường và nguyên nhân gây bệnh

 

Tiểu đường là bệnh nội tiết khá phổ biến do thiếu một phần hoặc thiếu toàn bộ insulin ở tuyến tuỵ. Từ thiếu hụt insulin gây nên rối loạn chuyển hoá các chất, trong đó chủ yếu là chuyển hoá glucose và làm xuất hiện đường máu cao. Khi đường máu cao dẫn đến đái ra đường qua nước tiểu, gọi là bệnh tiểu đường.

 

Bệnh tiểu đường mang yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu có bố hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường thì nguy cơ mắc rất cao. Trẻ bị bệnh sẽ phải tiêm  hocmon insulin suốt đời, do vậy, tiểu đường ở trẻ còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin.

 

Nguyên nhân gây bệnh: do chế độ ăn uống quá nhiều dinh dưỡng; ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, nhiệt độ, độ ẩm; do nhiễm virus hoặc do các bệnh lý khác... làm ảnh hưởng, gây tổn thương tuyến tuỵ khiến tuyến tuỵ không thể tiết ra insulin.

 

Biểu hiện và biến chứng của bệnh tiểu đường ở trẻ

 

Tiểu đường ở trẻ em có các dấu hiệu chính: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều nhưng gầy sút cân và rất thèm đồ ngọt, có đường ở trong nước tiểu (khi đi tiểu, kiến hoặc ruồi bâu vào). 

 

Tiểu đường - “sát thủ” giấu mặt

 

- Là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 ở các nước phát triển.

- Là nguyên nhân quan trọng gây mù và giảm thị lực ở người trưởng thành tại các nước phát triển.  Làm tăng 15-40 lần nguy cơ loạn thị.

- Làm tăng 2-4 lần nguy cơ bệnh tim mạch.

- Là nguyên nhân quan trọng gây suy thận.

Tiểu đường nếu không được điều trị tốt để khống chế được lượng đường trong máu sẽ gây nên hôn mê và những biến chứng như: tổn thương những mạch máu ở mắt khiến thị lực giảm  hay rối loạn thị lực, đục thuỷ tinh thể, tổn thương tim, gan, não, suy thận, da (lở loét, hay mụn nhọt), có thể gây tắc mạch, hoại tử chi, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong.

 

Chế độ ăn như thế nào cho trẻ bị tiểu đường?

 

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến nguy cơ tiểu đường ở trẻ em. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cần rèn cho trẻ một chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau quả. Khi bị ĐTĐ, trẻ cần có một chế độ ăn hạn chế tinh bột, đồ ngọt (đường, bánh kẹo, nước ngọt), hạn chế mỡ động vật (riêng bơ, phomát vẫn có thể ăn) nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để trẻ phát triển. Có thể tăng cường chất đạm trong khẩu phần ăn của trẻ.

 

Ngoài ra, hãy cho trẻ vận động mỗi ngày cùng bạn (tất nhiên cường độ không như của người lớn) bằng những động tác thể dục toàn thân đơn giản. 

 

Kiều Nga - Hồng Hải