Trẻ em nhiễm giun đang bị lãng quên!
(Dân trí) - Theo khảo sát mới đây nhất của nhóm nghiên cứu SR-KST-CT TƯ tại tỉnh Điện Biên, tỷ lệ trẻ em nhiễm giun lên tới gần 90%. Thế nhưng ở các vùng miền núi và ven biển dường như căn bệnh này đang bị ngành Y tế lãng quên.
Đã thiếu chất lại nhiễm giun
Theo TS. Đặng Thị Cẩm Thạch, Trưởng Phòng Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ (SR-KST-CT TƯ), loại ký sinh trùng này có thể sống trong cơ thể 10 - 12 năm; ví dụ, mỗi con giun móc cư trú trong ruột non sẽ hút khoảng 0,1ml máu/mỗi ngày (thông thường, trẻ đã bị nhiễm giun móc thường mang trong người hàng chục con). Chúng hút máu và tiêu thụ một phần chất bổ của cơ thể gây thiếu máu, thiếu sắt khiến trẻ gầy còm, ốm yếu, hay quên. Không những thế, giun còn tiết ra các chất độc khiến trẻ biếng ăn, khó ngủ, trở nên hay càu nhàu, bực tức, ít vận động...
Trẻ bị nhiễm giun đũa cũng vậy, do bị giun hút chất dinh dưỡng trẻ thường còi cọc, xanh xao và chậm lớn. Ngoài ra, nhiễm giun đũa đường ruột còn ảnh hưởng đến khả năng học tập của các em (như khả năng suy luận, nhận thức, khả năng quyết định và sự tập trung, tốc độ hoạt động tinh thần…). Tuy nhiên các dấu hiệu này không đặc trưng nên người lớn thường không để ý và thường nghĩ đến các nguyên nhân khác nhiều hơn. Vì vậy tình trạng nhiễm giun thường kéo dài. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị các biến chứng như tắc ruột, u polip đường ruột, giun chui ống mật thì bố mẹ mới biết con đã bị nhiễm giun từ lâu.
Mới đây, các chuyên gia y tế còn phát hiện loại giun xoắn có thể gây chết người có ở rất nhiều trong món thịt lợn gỏi mà một số người ở Điện Biên vẫn quen ăn.
Theo tổ chức Y tế Thế giới: Tại Việt Nam, tỷ lệ người mang loại ký sinh trùng này rất lớn, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em (2 tuổi - 12 tuổi), trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và vùng ven biển.
Theo ước tính trung bình trong mỗi người Việt Nam có 8 giun đũa, 17 giun móc và 32 giun tóc sống ký sinh.
Tình trạng này có ảnh hưởng đáng kể tới trọng lượng của trẻ. Tất cả trẻ nhiễm giun đều nhẹ cân hơn so với trẻ không nhiễm ở cùng khu vực. |
BS Trần Công Đại, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận xét: Tỷ lệ nhiễm giun sán trẻ em ở lứa tuổi đi học và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ tại Việt Nam (đặc biệt là ở khu vực miền núi) rất đáng lo ngại. Theo báo cáo tổng hợp từ các quốc gia khu vực châu Á, Việt Nam có có số dân nhiễm giun, sán cao nhất (tại Lào và Campuchia tỷ lệ người nhiễm giun sán là 50% - 60%).
Không chỉ do khi hậu tại các vùng núi cực kỳ thích hợp với sự phát triển của ký sinh trùng mà “Thực tế tại nhiều địa phương chỉ có 10% hộ dân có nhà vệ sinh theo đúng quy định, còn lại là “cầu tõm” hoặc giải quyết nhu cầu ở các khu vực xung quanh chỗ ở, có rất nhiều gia đình nông dân vẫn dùng phân tươi để chăm bón cho cây trồng. Như vậy, chừng nào khái niệm vệ sinh chưa được đảm bảo thì bệnh nhiễm giun sán vẫn tiếp tục phô biến”, BS Đại nói.
Để cải thiện, không chỉ cần sự thay đổi nhận thức của người dân mà còn cần đến sự hỗ trợ tức thời và hiệu quả ngay của ngành Y tế. Tuy nhiên, theo BS Đại, trong nhiều năm qua chưa có một dự án quy mô cấp quốc gia nào dành để giải quyết vấn đề này. Được biết, từ vài năm nay chỉ có một số dự án liên quan đến vấn đề tẩy giun sán cho trẻ em vùng khó khăn tại Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với một số Viện chuyên môn thực hiện. Mới đây nhất, thông qua tổ chức Y tế thế giới, công ty Johnson & Johnson đã hỗ trợ trên 700.000 liều thuốc giun cho các em học sinh tiểu học: Điện biên, Sơn La, Lai Châu và Lào Cai, riêng tỉnh Điện Biên là 60.000 học sinh thuộc 160 trường tiểu học. Tuy nhiên, đây không phải là những hoạt động có nguồn kinh phí lâu bền.
“Nếu không được quan tâm, trẻ em nhiều nơi sẽ tiếp tục suy dinh dưỡng thiếu máu, do nhiễm giun. Nếu được Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm hơn nữa, cấp kinh phí (vài tỷ đồng/năm) cho các chương trình tẩy giun đối với trẻ em vùng khó khăn, vấn đề bệnh tật sẽ giảm đi rất nhiều”, BS Đại bày tỏ.
P. Thanh