Trẻ em nam thiếu kẽm sẽ chậm dậy thì

Cháu tôi năm nay 8 tuổi, nặng 20kg, cao 120cm. Đi khám, bác sỹ có kê cho cháu một số loại thuốc, trong đó có kẽm bổ sung. Mong chuyên mục cho biết, kẽm có vai trò gì với sức khỏe trẻ em và trẻ có cần bổ sung kẽm hàng ngày hay không? (Khương Lan, Hưng Yên)

 

Trẻ em nam thiếu kẽm sẽ chậm dậy thì - 1

Kẽm là khoáng chất rất quan trọng với sự phát triển của trẻ em. Kẽm tham gia vào rất nhiều quá trình hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể như: Tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh, phát triển hệ xương và cơ trơn. Kẽm cần thiết cho sản xuất insulin - rất quan trọng để điều tiết lượng đường trong máu. Kẽm còn kiểm soát sự sinh sôi tế bào và ung thư…

Với hệ miễn dịch, kẽm cũng rất quan trọng. Nó kích thích sự phát triển, biệt hóa các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T, qua đó tạo một hệ phòng thủ để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Trẻ em có sức chống đỡ với bệnh tật tốt, ít đau ốm thì sẽ tăng trưởng và phát triển tốt hơn. Kẽm cũng tham gia vào việc điều hòa gene cho việc hình thành các thành phần của xương. Do vậy, bổ sung kẽm làm tăng hoạt động của hormone, làm trẻ ăn ngon miệng góp phần làm tăng trưởng chiều cao đáng kể ở trẻ.

Kẽm cũng là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Kẽm và vitamin B6 là những chất giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn. Thiếu kẽm sẽ làm chậm dậy thì ở trẻ nam, dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần suất tình dục ở đàn ông.

Tuy có vai trò quan trọng như trên nhưng các biểu hiện của thiếu kẽm lại rất khó chẩn đoán và dễ nhầm sang bệnh khác như: Mất cảm giác thèm ăn, rụng tóc, chức năng hệ miễn dịch suy yếu, tiêu chảy, tổn thương da và mắt, tăng trưởng chậm ở trẻ em và chứng bất lực ở nam giới.  Do tỷ lệ thiếu vi chất kẽm cao, biểu hiện thầm lặng, nên khi được phát hiện thì thiếu kẽm đã gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng trong thời gian dài nên việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ ăn là vô cùng quan trọng.

Nhu cầu kẽm ở trẻ là từ 2,4 đến 19,2 mg/ngày tùy theo lứa tuổi và giá trị sinh học của kẽm trong khẩu phần. Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu ở các loại hải sản như hàu, tôm, cua, ghẹ… các loại thịt có màu đỏ như thịt dê, thịt bò, lòng đỏ trứng gà… Kẽm không được dự trữ lâu dài trong cơ thể để dùng dần, do vậy cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có đủ kẽm.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Báo Gia đình & Xã hội