Trẻ bị rối loạn ứng xử: không khó trị

Rối loạn ứng xử là khi trẻ có các hành vi chống đối. Mọi trẻ đều có thể thỉnh thoảng phá luật, nhưng ở trẻ có rối loạn ứng xử thì những hành vi phá luật cứ lặp đi lặp lại. Điều đáng lo là tỷ lệ trẻ rối loạn ứng xử đang ngày càng tăng.

 Vì đâu trẻ hư?

 

Những biểu hiện rối loạn cách ứng xử có thể là hành vi trộm cắp, nói dối, phá hoại tài sản… Trẻ cũng hay phá luật lệ tại nhà và trong trường học như: trốn học, bỏ nhà đi bụi, có hành động hung hăng, làm hại thú vật, bắt nạt thậm chí tấn công bạn, đập phá, gây cháy nổ… Ngoài ra, trẻ có thể có những rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, lo âu, tăng động, kém tập trung, đáng lo ngại nhất là lạm dụng rượu, ma tuý.

 

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn ứng xử: do tính khí của trẻ; do trẻ bị tổn thương não, có vấn đề khó khăn trong việc xử lý thông tin, cha mẹ bất hoà, thường xuyên bạo hành nhau… Cũng có trường hợp trẻ phải chịu một áp lực nào đó trong chuyện học, trong tình cảm (bị bạn ruồng bỏ, đơn độc vì là con duy nhất)… Một nguyên nhân cũng rất quan trọng là môi trường sống, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử...

 

Cần trị liệu tâm lý

 

Rối loạn ứng xử có nhiều tác động xấu đến đời sống của trẻ và người xung quanh. Trẻ thường vi phạm kỷ luật có thể phải nhận lãnh hậu quả nghiêm trọng về mặt luật pháp. Điều đáng lo nhất là rối loạn ứng xử có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nếu trẻ lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi hung hăng, phá hoại thì nên đưa trẻ đến khám tâm lý để tìm hiểu những yếu tố góp phần vào các rối loạn hành vi của trẻ. Tuỳ theo tình trạng cụ thể, trẻ sẽ được áp dụng các hình thức điều trị: trị liệu tâm lý cá nhân giúp trẻ hiểu những lý do khiến trẻ hành động không tốt, được áp dụng khi nhà trị liệu tâm lý đã tạo được niềm tin và cảm giác tiếp xúc cởi mở, thoải mái nơi trẻ; trị liệu tâm lý theo nhóm có thể hữu ích cho trẻ vị thành niên vì các em dễ dàng tiếp cận các bạn cùng trang lứa hơn với nhà trị liệu; trị liệu nhận thức – hành vi tập trung vào kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm giúp trẻ nhận thức nguyên nhân và hậu quả của các vấn đề và cách ứng xử mới với các tình huống.

 

Ngoài ra, các nhà trị liệu còn huấn luyện cách xử trí của phụ huynh để giúp cha mẹ biết cách tương tác với con. Đồng thời cũng cần có sự can thiệp của trường học, đặc biệt là ở trẻ khiếm khuyết học tập cần có chương trình giáo dục đặc biệt. Trong một số trường hợp, nếu có kèm theo trầm cảm hoặc tăng động/kém tập trung, trẻ được điều trị bằng thuốc.

 

Việc điều trị rối loạn ứng xử cũng không quá khó khăn, chỉ cần cha mẹ luôn quan tâm, kịp thời phát hiện những bất thường nơi trẻ để sớm đưa con đi trị liệu tâm lý.

 

Theo BS Phạm Ngọc Thanh

Cố vấn khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Sài Gòn tiếp thị