Trẻ béo phì vì ăn quá nhiều tinh bột

(Dân trí) - Con cân nặng vượt chuẩn, nhiều bà mẹ lo ngại “né” sữa cho con vì lo sợ trong sữa có nhiều đường ngọt nhưng lại thêm cơm, thêm cháo cho trẻ khiến cân nặng của trẻ tăng khó “phanh”.

“Né” sữa, tăng cháo vẫn tăng cân vèo vèo

Bé Nguyễn Thu Ngân (30 tháng tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh), cao chưa đầy 90cm nhưng đã nặng đến 24kg. “Trộm vía khi sinh con đã 4kg, tháng đầu con đã tăng 2kg rồi tiếp đó tăng cân đều. Ai cũng khen con trộm vía tăng cân tốt. Thời bú mẹ con tăng nhanh đã đành, vì sữa tốt, nhưng bước vào giai đoạn ăn dặm, bé vẫn tăng mạnh, mình sợ quá, không dám cho con ăn sữa ngoài nữa, chỉ bú mẹ và ăn cháo. Giờ bé đã lớn, cai sữa hoàn toàn, chỉ ăn 4 bát cháo mỗi ngày”, chị Hoa, mẹ bé Ngân cho biết.
 
Trẻ béo phì vì ăn quá nhiều tinh bột

Đến khám tại Viện Dinh dưỡng, bé Ngân thừa đến 8kg so với chuẩn chiều cao và cân nặng. Khi bác sĩ “truy” về chế độ ăn của bé, chị Hoa mới ngập ngừng nói: “4 bát cháo một ngày nhưng con vẫn đói nên mỗi ngày, khoảng 9h tối bà giúp việc lại cho con ăn một bát mì tôm trứng. Biết là béo nhưng thấy con đói cũng không đành, lâu dần thành thói quen không bỏ được”, chị Hoa nói.

Cùng quan niệm như chị Hoa, chị Nguyễn Thị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) lâu nay mỗi ngày cũng chỉ dám cho con uống một cốc sữa tươi vì sợ nhiều đường làm con béo, nhưng cháu vẫn được thoải mái ăn cơm theo nhu cầu. Hậu quả là bé mới 4 tuổi tuổi nặng 20kg.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vẫn có nhiều người có quan niệm như hai trường hợp này. Cứ nghĩ ăn cơm nhiều thì không béo được, mà béo là do ăn sữa vì trong sữa có nhiều đường. Thực tế, ở lứa tuổi nhỏ, sữa là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày bởi nó bổ sung hàm lượng dinh dưỡng cân đối và bổ sung các chất can xi, vi chất tốt cho sự phát triển thể chất của bé.

Trong khi đó, ăn quá nhiều tinh bột, khi vào cơ thể, tinh bột chuyển hóa thành đường. Đó là lý do những trẻ dù không ăn sữa, nhưng ăn nhiều cháo, cơm mỗi ngày bé vẫn béo phì.

“Bản thân sữa không gây béo phì cho trẻ mà toàn bộ chế độ ăn cũng cần phải quan tâm. Những bé béo phì này cần giảm các món ăn nhiều béo, đường ngọt, lượng cơm ăn cũng không nên nhiều quá”, TS Lâm nói.

Với những trẻ thừa cân, có thể cho bé uống sữa ít đường, sữa tươi không đường, sữa chua. Cũng có thể thay sữa tươi bằng sữa tươi tách béo và sữa chua thì tốt hơn. Bên cạnh đó, nên cho cháu tập thể dục như đạp xe, đi bộ... cũng giúp cháu kiểm soát cân nặng và tăng trưởng chiều cao tốt. Ngoài ra cũng nên ăn nhiều rau xanh, ăn quả chín vừa phải.

Cảnh giác với bim bim, mì ăn liền

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khẳng định: “Sữa không là nguyên nhân gây béo phì cho trẻ mà là do chế độ ăn chung của trẻ và hoạt động vận động hàng ngày... Ngày nay, trẻ em được thoải mái sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, mì ăn liền, bim bim… Đây đều là những thực phẩm cung cấp rất nhiều năng lượng, có chỉ số đường rất cao làm cho trẻ tăng cân mà không phát triển về chiều cao, không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Trong khi đó, thời gian “tĩnh” của trẻ như ngồi chơi game, xem ti vi lại quá nhiều dẫn đến tiêu hao năng lượng ít. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, “bề ngang” của trẻ thì gia tăng, trong khi đó lại thiếu chiều cao”, TS Mai nói.

Hay như với lượng dầu mỡ, xu hướng tiêu thụ dầu mỡ trong vòng 20 năm qua tăng rất cao, lên 11 lần. Qua khảo sát, nhiều phụ huynh tiểu học vẫn chế biến bữa ăn cho con với hàm lượng chất béo chiếm khoảng 35 - 40% năng lượng khẩu phần. Trong khi đó, nhu cầu về chất béo của trẻ ở lứa tuổi từ 4 tuổi trở lên chỉ khoảng 25% trong tổng năng lượng khẩu phần (càng lớn, nhu cầu này càng ít đi). Khác hẳn với lứa tuổi nhỏ dưới 3 tuổi, hàm lượng chất béo có thể chiếm  tới 40% trong tổng số năng lượng khẩu phần. Vì thế, nếu không thay đổi tỉ lệ này, chắc chắn trẻ sẽ tăng cân nhanh, gây béo phì.

Trong khi đó, tình trạng béo phì của trẻ không chỉ gây xấu về hình dáng mà nguy hiểm hơn, nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Trẻ béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch cao hơn so với trẻ khác. Một điều tra tại một trường tiểu học tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho thấy, trong số trẻ béo phì thì có tới 1/3 các cháu đã có tăng huyết áp, 32% các cháu đã có tăng đường máu.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tình trạng béo phì đã vượt 0,6% so với chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010, trong đó tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố lên tới 6,5% . Hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh ung thư... “Vì thế, cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ và tăng cường vận động thể lực để trẻ có một hình thể tốt, khoẻ mạnh sẽ là tiền đề tốt cho sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ sau này”, PGS Mai khuyến cáo.

Hồng Hải