1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ bệnh dai dẳng chữa cả năm không đỡ, bất ngờ phát hiện nguyên nhân từ... bố mẹ

(Dân trí) - Trải qua rất nhiều đợt điều trị kháng sinh vì chứng đau dạ dày HP, người gầy, ăn uống kém... nhưng bé My (6 tuổi, Nghệ An) vẫn luôn có triệu chứng đau, khó chịu, ậm ạch. Khi ra Hà Nội khám, bác sĩ đề nghị cả nhà test HP thì cả 4 nguời đều dương tính. Bố mẹ vẫn có thói quen ăn chung đồ ăn với trẻ.

Tại buổi khám, tư vấn và nội soi miễn phí đường tiêu hoá tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) diễn ra sáng 22/6, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, cho biết tỉ lệ bệnh nhân đến khám vì rối loạn chức năng đường tiêu hóa gia tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Đa phần bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng về đường tiêu hoá như: Ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, ách tức dạ dày, đầy hơi, nôn ra máu, có máu trong phân...

Trẻ bệnh dai dẳng chữa cả năm không đỡ, bất ngờ phát hiện nguyên nhân từ... bố mẹ - 1

Tiến sĩ Dương Trọng Hiền tư vấn cho bệnh nhân.

Trong đó, tỷ lệ viêm dạ dày do HP rất phổ biến. Theo thống kê chung tại Việt Nam, khoảng 60-70% người dân trong cộng đồng có HP.

"Ngay trong buổi sáng 22/6, khi thăm khám, chúng tôi cũng tiếp nhận 3 bệnh nhi từ 4-10 tuổi bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP. Các bé trải qua quá trình điều trị dai dẳng nhưng không dứt, vẫn đau bụng, ăn uống kém", tiến sĩ Hiền cho biết.

Theo tiến sĩ Hiền, trẻ nhỏ nhiễm HP có thể do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống hoặc hệ miễn dịch kém....nhưng phổ biến nhất là lây lan trong gia đình.

Hầu hết bệnh nhi viêm dạ dày HP khi đến khám, test HP bố, mẹ thường cũng có kết quả dương tính. Nhiều bố mẹ vẫn hồn nhiên ăn chung đồ với con, nhiều khi trẻ đưa cho bố mẹ chiếc kẹo mút, đồ ăn, bố mút cái, mẹ mút cái rồi lại đưa cho con ăn.

Nhiều trẻ khi được chẩn đoán đau dạ dày do vi khuẩn HP, bố mẹ sốc, choáng không hiểu vì sao trẻ bị nhiễm. Trong khi đó, các hành vi hàng ngày như hôn trẻ, bón mớm cơm cho trẻ, dùng chung bát đũa.... đều có nguy cơ lây vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua nước bọt, dùng chung chén đũa, hôn trực tiếp, mẹ mớm đồ ăn, dùng chung bàn chả đánh răng, ăn thực phẩm nhiễm khuẩn chưa được nấu chín...

Để phòng lây nhiễm HP cho trẻ, người lớn nên hạn chế nhai mớm thức ăn cho trẻ, hôn môi trẻ. Mỗi người nên có bộ dụng cụ ăn uống riêng, không dùng chung. Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh. Diệt ruồi, gián..., là những trung gian truyền bệnh. Ngoài ra, thường xuyên khám sức khỏe tổng quát cả gia đình để phòng ngừa bệnh. 

Tiến sĩ Hiền cũng trấn an, tỉ lệ nhiễm HP trong cộng  đồng rất nhiều nhưng không phải ai cũng cần điều trị. Chỉ ở những trường hợp vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, bệnh nhân đau bụng, ợ chua, nóng, ảnh hưởng ăn uống, chất lượng sống thì cần điều trị. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là cần điều trị, và không phải nhiễm HP là đều bị ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.

Việc điều trị vi khuẩn HP cũng cần kiên nhẫn, thực hiện triệt để theo phác đồ. Nhiều gia đình e ngại tâm lý bé đã dùng kháng sinh nhưng nếu không điều trị triệt để HP gây viêm loét dạ dày tái đi tái lại ở trẻ.

Tiến sĩ Hiền cũng khuyến cáo nếu người bệnh từng được chẩn đoán có tình trạng viêm loét dạ dày mãn tính, có loạn sản ruột, loạn sản ở niêm mạc dạ dày... nên định kỳ 6-12 tháng nên đi thăm khám, nội soi để theo dõi và đánh giá diễn tiến của bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp.

Hồng Hải