Tràn lan rượu độc

Vì lợi nhuận, nhiều lò rượu đã dùng những loại men trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc cồn công nghiệp pha chế với nước lã thêm một chút hương liệu để điều chế thành “đặc sản” rượu quê, rượu thuốc... rất nguy hiểm.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm, cả nước có hàng chục vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong. Tuy nhiên, không ít “thượng đế” vẫn ngày ngày sử dụng những loại rượu không rõ nguồn gốc để rồi phải mang họa vào than.

 

Tăng lượng methanol để nhanh “phê”

 

Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ ngộ độc rượu kinh hoàng xảy ra tại thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận khiến 9 người chết. Theo báo cáo của UBND xã Phước Vinh, chỉ hơn một tháng, từ ngày 29.3 đến 2.5, trên địa bàn thôn Liên Sơn 2 có 9 người chết và 4 người phải nhập viện điều trị vì rượu.

 

Kết quả do Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm 5 mẫu rượu lấy từ 4 quán tạp hóa mà gia đình các nạn nhân mua ở thôn Liên Sơn 2 về uống cho thấy 3/5 mẫu có hàm lượng methanol vượt từ 1.261-1.700 lần so với quy định. Sau khi uống loại rượu này, các nạn nhân đều bị đau đầu, chóng mặt, nôn ói, khó thở, co giật tay chân rồi tử vong.

 

Tràn lan rượu độc

Thay vì sử dụng nồi chưng cất rượu truyền thống thì nhiều cơ sở ở làng Đại Lâm pha chế rượu bằng những chiếc thùng phuy nhựa. Trong ảnh: Bơm nước pha chế rượu ngay trên xe tải nhỏ

 

Trước đó, vào tháng 10.2011, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận cấp cứu hàng chục trường hợp ngộ độc rượu tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Sau đó, đã có 3 người tử vong do tình trạng quá nặng.

 

Mới đây nhất, từ ngày 29.11 đến 4.12, trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc rượu khiến 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người chết. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy các nạn nhân này đã uống loại rượu có nhãn hiệu “rượu nếp Hà Nội 29”. Kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ những vụ ngộ độc này đều có hàm lượng methanol và etanol chiếm thể tích từ 80% đến trên 98%, vượt gần 2.000 lần tiêu chuẩn cho phép...

 

Bác sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận một vài trường hợp “thập tử nhất sinh”  vì rượu. Sau Tết Nguyên đán năm ngoái, có thời điểm số ca ngộ độc rượu vào điều trị tại trung tâm chiếm đến 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc. Theo bác sĩ Duệ, các trường hợp ngộ độc rượu ở quê thường là do các “bợm nhậu” uống phải loại có pha methanol. Đây là chất cồn dùng trong công nghiệp nhưng vì lợi nhuận và thiếu hiểu biết nên không ít người nấu rượu đã cho thêm methanol vào để tăng nồng độ, uống vào nhanh “phê”.

 

Còn đâu làng nghề truyền thống

 

Chúng tôi đã về làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - 2 làng nấu rượu nổi tiếng ở miền Bắc. Nghề nấu rượu ở đây giờ đã mai một và chỉ còn cái danh của thời xa xưa. Thay vì rượu gạo, rượu nếp cái hoa vàng nức tiếng một thời, một bộ phận không nhỏ những người hành nghề vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để cho ra lò loại rượu bằng công nghệ không khói với công thức: cồn + nước lã + hương liệu. Thay vì sử dụng nồi chưng cất rượu truyền thống thì ở nhiều cơ sở, những chiếc thùng phuy nhựa cao chừng 1,5 m dùng để chế rượu.

 

Theo nhiều người dân làng Đại Lâm, cũng bởi công nghệ “pha chế rượu từ cồn và nước lã” mà hơn chục năm nay, nghề nấu rượu truyền thống nơi đây bị mai một dần. Từ chỗ có tới 80% số hộ dân trong làng có bếp nấu rượu, giờ con số đó chỉ còn chưa đầy 10%. Thế nhưng, mỗi ngày ước chừng có hàng  chục ngàn lít rượu lên xe rời khỏi làng.

 

Được gắn những danh tửu của xứ Bắc Hà, chất lượng nổi tiếng nhưng giá của các sản phẩm này lại khá “bèo”, chỉ 15.000-20.000 đồng/lít. Trong khi đó, để sản xuất ra sản phẩm rượu chính hiệu của làng Vân thường rất công phu.

 

“Một lít rượu nếu nấu khéo cũng tốn từ 35.000 - 40.000 đồng tiền gạo, đó là chưa kể tiền men, tiền công, tiền than… Nếu như quen biết đặt hàng thì may ra mới có rượu chính hiệu của làng Vân nhưng giá đến tay người uống cũng phải từ 50.000 - 60.000 đồng/lít. Làm thật thì giá thật nhưng làm sao những người nấu rượu tử tế “trụ” được với rượu cồn. Loại rượu này đang “bóp chết” rượu truyền thống bởi đơn giản họ bán nước lã và hóa chất nhưng thu tiền triệu mỗi ngày” - một người dân sống ở vùng này thở dài.

 

Theo chủ một quán nhậu ở Hà Nội, tiếng là rượu truyền thống nhưng chúng được nấu bằng men Trung Quốc hay viên cồn pha nước lã, thậm chí chỉ viên thuốc trừ sâu rồi cho vào nước lắc đều, chờ vài phút là thành rượu. “Thế nhưng, loại rượu giá rẻ này vẫn là món khoái khẩu của dân nhậu, nhất là những người có thu nhập thấp” - người này nói.
 

 Cả nước có đến 2.000 loại rượu

 

Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm - cho biết khi kiểm tra rượu, có 3 chỉ tiêu thường vi phạm. Thứ nhất, hàm lượng aldehyd cao quá mức cho phép. Thứ hai, hàm lượng furfurol cao, thường làm người uống nhức đầu. Thứ ba và quan trọng hơn cả là hàm lượng methanol cao, thường gây chết người.

 

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, khảo sát gần đây nhất tại 20 tỉnh, thành cho thấy đã có 800-900 loại rượu bày bán trên thị trường. Tính chung toàn quốc, con số này có thể lên đến 2.000 loại nhưng tỉ lệ rượu nấu thủ công đã công bố tiêu chuẩn chất lượng rất thấp. Điều này cũng phần nào lý giải tại sao không ngày nào là không có người nhập viện vì rượu

 

Theo Lao động