Trà chanh, xin hãy... tránh xa!
Không in thành phần, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, chỉ cần một thìa nhỏ tinh chất là đã có thể làm được... trà chanh. Ngoài ra, theo người bán hàng, ở một số cửa hàng bán nước giải khát, người ta còn sử dụng cả trà vụn, đường hóa học và tinh dầu nhài để chế ra trà chanh - thức uống được ưa chuộng của mùa hè.
Trà vụn, tinh dầu nhài và chanh... hóa học!
Trong vai một người sắp mở quán trà chanh ở khu vực ngoại thành, PV Báo GĐ&XH đến phố Hàng Buồm (Hà Nội) - nơi được mệnh danh là “tổng kho” phụ gia thực phẩm của Thủ đô để tìm kiếm nguyên liệu và học tập kinh nghiệm pha chế.
Chị chủ cửa hàng lấy từ phía sau tủ ra một gói màu trắng đưa cho chúng tôi rồi giải thích: “Đây, nửa cân, giá 60.000 đồng. Chỉ cần vài thìa là pha được… cả xô. Cô thử tưởng tượng, muốn pha một lít nước, ít nhất phải mất 2 quả chanh. Mỗi quả con con ở chợ cũng 2.000 đồng thì lãi thế nào được? Giờ nhiều người bán hàng đại trà toàn làm thế này. Sau đó, họ vắt vài quả chanh vào xô nước cho có tí tép”.
Chúng tôi nhìn qua gói bột màu trắng không thấy có bất cứ dòng chữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh nào. Trọng lượng gói khoảng nửa kilogram với các hạt trắng tinh như đường kính. Bên trong gói có tờ giấy màu xanh, in hình quả chanh và toàn chữ loằng ngoằng.
“Gọi cái này là chanh tinh luyện hay gì ạ? Có loại của Việt Nam hay của nước nào khác không?", chúng tôi hỏi. “Ôi, gọi là gì chẳng được. Cái này người ta dùng đầy ra. Chỉ có mỗi của Thái thôi. Không có của Việt Nam đâu”, chị chủ cửa hàng cho biết.
Không chỉ thế, chị còn rỉ tai tôi: “Bán hàng nhiều thì dùng cái này lợi hơn, rồi cho đường hóa học vào. Trà thì ra ngay phố Cao Thắng ở gần đây, mua trà vụn. Ở đó trà chất cao như núi, muốn loại gì cũng có. 100.000 đồng/kg trà vụn, tha hồ mua. Pha trà xong, mỗi xô nước thế chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu nhài vào là thơm lừng mùi trà hoa nhài. Nhớ cho vài giọt thôi. Còn pha ấm thì lấy que tăm chấm vào một tí. Cho nhiều quá, nồng lên đấy”.
Nói rồi, chị với tay lấy chai nước màu nâu đỏ để trên giá cho chúng tôi ngửi. Chai nước bằng nhựa, không nhãn mác và chỉ ghi dòng chữ: Nhài TP (nhài thực phẩm). Chúng tôi bật ngược người vì mùi hương nhài nồng nặc. Chị hỉ hả: “Mỗi lạng tinh dầu nhài là 150.000 đồng. Chai này 500.000 đồng nhưng lần đầu mua, chị để giá 450.000 đồng lấy chỗ đi lại”. Cùng với chúng tôi, một thanh niên khác cũng đến mua tinh dầu nhài để về bán quán trà. Anh này mua lưng chai nước màu nâu đỏ ấy với giá 450.000 đồng và hoan hỉ ra về.
Coi chừng ung thư, sỏi thận
Nửa chai tinh chất nhài có giá 450.000 đồng.
Để có kết quả “mắt thấy, tai nghe” về loại thức uống “thần thánh” của mùa hè này, chúng tôi lấy một cốc nước lọc, cho vào 1/4 thìa café “chanh tinh luyện” vừa mua ở phố Hàng Buồm. Những hạt trắng nhỏ li ti tan nhanh và vẫn giữ nguyên màu nước trong vắt, không mùi. Khi nếm thử, nước có vị chua như chanh.
Trao đổi về loại tinh chất này, một chuyên gia ở Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, nếu uống nhiều, liên tục loại trà chanh pha bằng hóa chất, cơ thể người dễ bị nhiễm độc trường diễn. Nghĩa là việc nhiễm độc sẽ xảy ra sau một quá trình dài tích tụ các chất độc được đưa vào cơ thể. Ngoài ra, điều dễ thấy nhất là nếu pha bằng hóa chất hoặc nước không sạch, người dùng dễ bị tiêu chảy. Vì thế, khi sử dụng loại trà này, một số chuyên gia cho rằng, cần cẩn trọng xem có mùi vị chanh nhiều hay ít. Tốt nhất nên nhìn thấy người ta vắt chanh quả vào cốc và pha cho mình.
Còn TS Trần Hồng Côn (Giảng viên Khoa Hóa - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chất được tinh chế để sử dụng cho việc pha chế trà chanh là axit citric. Đây là chất bảo quản tự nhiên và cũng được sử dụng để bổ sung vị chua cho thực phẩm. Ở một nhiệt độ nào đó, axit này sẽ kết tinh thành các hạt màu trắng.
Thông thường, nếu lấy được axit sạch để tinh chế thành tinh chất thì không sao nhưng nếu axit đó bẩn - không tách hết các tạp chất thì rất nguy hại. Cũng giống như chanh tinh chế, với tất cả các loại tinh chất khác như tinh chất nhài, tinh chất trà… nếu được tinh chế đúng quy định, loại bỏ được hết các tạp chất thì khi dùng không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu là hàng trôi nổi, không “sạch” thì rất khó phân biệt được bằng mắt thường. Các tạp chất còn tồn tại trong đó, khi dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cao nhất có thể dẫn đến sỏi thận hoặc ung thư.
“Đặc biệt, với hàng trôi nổi, việc không loại bỏ được hết tạp chất là nguy cơ cực cao” - TS Trần Hồng Côn cho hay – “Sở dĩ như thế là bởi, để loại hết được các tạp chất, phải áp dụng kĩ thuật cao mới có thể làm được. Trong khi một số chất bây giờ chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, người ta sản xuất các chất này đơn giản như nấu cám lợn thì rất khó tin tưởng được”.
Theo Hạnh Nguyên
Báo Gia đình & Xã hội