TPHCM: Treo dê... bán bò, treo bò... bán trâu

Trong khi nhiều quán ăn, nhà hàng, hệ thống bán lẻ đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, củng cố lòng tin của người tiêu dùng bằng việc làm ăn uy tín thì tại TPHCM, không ít những nơi lại giở những mánh khóe lừa dối khách hàng để “tối ưu hóa” lợi nhuận...

Treo bò, bán... trâu

 

Chị Ánh Tuyết ở khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 cho biết, một sáng Chủ nhật gần đây chị ra siêu thị Coop Mart Phú Mỹ Hưng (khu đô thị mới Nam Sài Gòn) gần nhà để mua sắm hàng hóa.

 

Đến quầy bán thịt, chị thấy trong số những chiếc bảng nhỏ kèm theo từng loại thịt đều ghi là thịt bò như: bắp bò, thịt bò đùi, thịt bò thăn...

 

Thấy thịt ngon, lại có bảng hướng dẫn cụ thể nên chị an tâm mua hẳn 1 kg thịt bò đùi. Nhưng khi về nhà, nấu lên và đến lúc ăn thì mới phát hiện đó là…thịt trâu.

 

“Trời ạ, siêu thị mà còn bán thịt giả thì không còn gì để nói”, chị Tuyết thốt lên. Và theo chị: “Nếu biết là thịt trâu, tôi sẽ nấu theo cách của thịt trâu thì mới ăn được, đằng này tôi cứ đinh ninh là bò và nấu theo cách của thịt bò nên ăn nó cứ “ngang” phè phè…”.

 

Điều làm chị Tuyết bức xúc nhất là chuyện tiền mất tật mang. “Sau khi ăn, đứa con gái tôi đã bị nổi mẩn đỏ vì xưa nay cháu bị dị ứng thịt trâu”, chị Tuyết cho biết.

 

Bà Lương Thị Liễu, Phụ trách phòng Kinh doanh Saigon Coop, đơn vị chủ quản của siêu thị Coop Mart Phú Mỹ Hưng, thừa nhận có tình trạng “treo bò bán trâu” tại siêu thị này.

 

Theo giải thích của bà Liễu, cách đây khoảng 3 tháng, nhà cung cấp thịt bắt đầu đưa thịt trâu vào hệ thống siêu thị của Saigon Coop. Lúc đầu, siêu thị Coop Mart Phú Mỹ Hưng bán thịt bò và thịt trâu riêng, đồng thời có bảng chỉ dẫn rõ ràng.

 

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó nhân viên siêu thị này đã “sáng kiến” nhập chung thịt trâu với thịt bò dưới một nhãn mác chung: thịt bò, và tất nhiên bán với giá của thịt bò.

 

“Giá của thịt bò cao hơn rất nhiều so với thịt trâu, có khi chênh lệch nhau đến 20.000 đồng/kg”, bà Liễu xác nhận.

 

Bò sữa giả dê!  

 

Cuối tuần, tôi cùng mấy người bạn rủ nhau vào một quán lẩu dê trên đường Trương Định (Q.3). Cùng đi còn có một chuyên gia ẩm thực. Quán lúc nào khách cũng đông nườm nượp.

 

Giống  như tên quán, thực đơn của quán ghi toàn các món ăn được chế biến từ dê, nào nhũ dê nướng, dê xào lăn, lẩu dê, ngọc dê và cả rượu tiết dê…

 

Sau vài món “tráng miệng” là đến món không thể thiếu: lẩu dê. Trong lúc cả bọn đang hào hứng với cái lẩu bốc hơi nghi ngút trên bàn thì chuyên gia ẩm thực bất ngờ tuyên bố: “Bò chứ chẳng phải dê”.

 

Để chứng minh, anh thò đũa vào nồi lẩu đang sôi sùng sục gắp ra vài miếng thịt rồi giải thích: “Sự khác biệt cơ bản và dễ nhận thấy giữa thịt bò với thịt dê là ở độ dai”.

 

Theo chuyên gia ẩm thực này, loại thịt bò thường được các chủ quán lẩu dê hiện nay dùng để thay thế toàn bộ hoặc trộn một phần vào lẩu dê là bò sữa đực còn nhỏ.

 

Vì vậy, thịt trong lẩu thường bở và phần da dính theo miếng thịt tuy rất dày nhưng mềm nhũn và nhừa nhựa. Trong khi đó, thịt dê săn chắc, da mỏng nhưng dai và không bị tình trạng mềm nhũn khi để sôi lâu trong nồi lẩu.

 

“Một khác biệt quan trọng nữa là ở mùi vị”, anh bạn sành ăn nói tiếp.

 

Với thịt dê, dù nấu theo kiểu nào và gia vị gì thì khi ăn cũng có mùi hăng rất đặc trưng, và tuyệt nhiên mùi này không bị mất đi trong điều kiện chế biến thông thường như xào, nướng hay làm lẩu…

 

Cũng trong khi đó, thịt bò sữa lại hầu như không có mùi vị gì đáng kể. Do vậy, nếu để ý, người ăn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là thịt bò sữa, đâu là thịt dê.  

 

Anh Nguyễn Văn Hiếu, một nông dân nuôi bò ở ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cho biết: “Bò sữa đực vừa đẻ ra vài ba hôm, tối đa một tuần là nhà vườn đem cân cho các đầu nậu hoặc các nhà hàng để làm món bê thui, bê quay hoặc làm lẩu dê”.

 

Anh Hiếu cũng cho biết, một con bê đực trọng lượng 30 - 40kg ở thời điểm được giá nhất là 500 - 600 nghìn đồng, và hiện nay chỉ ở mức 200-300 nghìn đồng.

 

“Rẻ hơn thịt dê rất nhiều”, Hiếu khẳng định. Và theo anh, đó là lý do vì sao trong lẩu dê toàn là…thịt bò sữa.

 

Qua nhiều công đoạn giới thiệu “dắt dây” của những người nuôi bò tại Củ Chi, tôi tìm được một người đàn ông chuyên làm nghề bỏ mối thịt bò.

 

Ông tiết lộ, bò sữa sau khi làm thịt sẽ giao nguyên con cho những quán bán bê thui có đông khách. Những quán nhỏ, tùy theo nhu cầu mà cung cấp.

 

Riêng những quán lẩu dê thì thường chế biến sơ bộ rồi mới đem đi bỏ. Cũng theo tiết lộ của người này, hầu hết những quán lẩu dê đều có trộn thịt bò sữa, thậm chí thịt bò sữa chiếm phần lớn, nhất là những quán nhậu mà khách ra vào đông nườm nượp.

 

“Dê ở đâu cho đủ?”- người đàn ông này đặt vấn đề rồi tự trả lời: “Các quán bán đúng thịt dê thì giá thường rất cao chứ không “mềm” như những quán tôi thường bỏ mối”.  

 

Theo Đại Dương

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm