1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Trẻ mắc bệnh lồng ruột tăng cao

Chỉ trong tháng 2/2007, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 - TPHCM tiếp nhận khoảng 250 trẻ mắc bệnh lồng ruột.

Sáng 21/3, cháu N.T.N, 16 tháng tuổi, ở quận Tân Phú -TPHCM, đã xuất viện sau khi được các bác sĩ ở Khoa Ngoại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 bơm hơi, tháo lồng. Anh N.V.H, 29 tuổi, ba của cháu bé, kể lại: Tối qua, khi cháu đang chơi đùa bỗng dưng khóc thét lên. Vợ chồng anh hoảng quá hỏi cháu đau ở đâu cháu lấy tay chỉ vào bụng. Thấy vậy, vợ chồng anh lập tức đưa cháu tới BV Nhi Đồng 1 để khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị bệnh lồng ruột, cần nhập viện để được tháo lồng.

 

Tăng gấp 3 lần

 

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại BV Nhi Đồng 1, nhận xét so với những năm trước, số trẻ mắc bệnh lồng ruột có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong 2 tháng gần đây. Những ngày bình thường, tại đây chỉ tiếp nhận 3-4 trẻ/ngày thì gần đây đã tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp 3.

 

Bác sĩ Trương Quang Định, Phó Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2, ghi nhận số trẻ mắc bệnh lồng ruột đến BV Nhi Đồng 2 điều trị cũng tăng gấp đôi so với trước. Tháng 2/2007, tại đây đã tiếp nhận 69 trẻ mắc bệnh lồng ruột, trong khi những tháng trước đó chỉ dao động từ 30 - 35 trẻ. Như vậy ước tính trong tháng 2, cả BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 tiếp nhận tổng cộng khoảng 250 trẻ mắc bệnh lồng ruột.

 

Nguyên nhân làm số trẻ mắc bệnh lồng ruột gia tăng trong thời gian này hiện vẫn chưa xác định được, nhưng các bác sĩ thấy rằng cứ khi bệnh tiêu chảy hoặc bệnh hô hấp tăng cao thì bệnh lồng ruột cũng tăng theo.

 

Bác sĩ Quang Định cho biết, bệnh lồng ruột xảy ra khi một khúc ruột bên trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới (hay ngược lại) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệch nhau.

 

Gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi

 

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Đào Trung Hiếu nhận xét bệnh lồng ruột thường gặp nhiều ở trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi và nhiều nhất ở trẻ 9 tháng tuổi. Tuy vậy, bác sĩ Quang Định vẫn lưu ý, dù bệnh này gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan với những trẻ lớn hơn vì tại Khoa Ngoại BV Nhi Đồng 2 vẫn gặp một số trẻ em từ 2 - 3 tuổi bị lồng ruột.

 

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, bệnh lồng ruột phần lớn thường xảy ra bất thình lình ở những trẻ em khỏe mạnh, bụ bẫm, ở bé trai nhiều hơn bé gái. Mới đầu, các bậc cha mẹ bỗng thấy trẻ khóc thét đột ngột, ói ra hết thức ăn, khoảng 5 - 6 giờ sau sẽ thấy đi tiêu ra máu. Nếu đưa trẻ đến BV điều trị sớm thì việc điều trị rất đơn giản.

 

Các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp tháo lồng bằng áp lực hơi. Dưới sự hướng dẫn của máy soi X-quang tại chỗ, họ bơm hơi vào ruột già với một áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn.

 

Kết quả điều trị tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cho thấy gần như 100% các trường hợp đều thành công trong 24 giờ đầu. Ngược lại, nếu đến BV trễ trẻ sẽ bị tắc ruột, ứ đọng gây nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải trầm trọng, nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột... Trẻ nhập viện trong tình trạng này buộc phải phẫu thuật. Với những trẻ đã bị thủng ruột, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ cả đoạn ruột.

 

 Bác sĩ Quang Định nhấn mạnh, trẻ mắc bệnh lồng ruột sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ bị tái phát. Vì vậy, khi thấy trẻ có những triệu chứng của bệnh lồng ruột, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời.

 

Chưa tìm được nguyên nhân

 

Theo nhiều bác sĩ ngoại khoa, hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh lồng ruột, do vậy cũng chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng do chế độ ăn dặm, thay đổi sữa đột ngột đã làm nhu động ruột của trẻ thay đổi đột ngột dễ gây bệnh lồng ruột. Để ngăn chặn yếu tố nguy cơ gây bệnh lồng ruột, khi cho trẻ ăn dặm, lúc chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ các bà mẹ nên cho trẻ ăn từ từ với liều lượng tăng dần.

 

Theo Thùy Dương

Người lao động