1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM tập trung khử khuẩn nguồn nước

(Dân trí) - Ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định: "Dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ cao xảy ra ở địa phương này vì không thể ngăn chặn nguồn rau, thực phẩm không an toàn vào thành phố".

Hơn nữa, việc kiểm soát nguồn nước tại địa bàn này cũng rất khó khăn. Vì ở TP Hồ Chí Minh, nguồn nước máy cung ứng chỉ được khoảng 80% người dân, 20% người dân còn lại sử dụng nước giếng, các nguồn khác đều không đảm bảo khử khuẩn. Tuy nhiên với nước máy, do nước cuối nguồn rất yếu và độ Clo dư không còn nên thường xuyên xét nghiệm thấy vi khuẩn ở nguồn nước này.

Đặc biệt, đặc thù của Thành phố là có rất nhiều nhà tập thể, chung cư, trong khi đó, hầu hết các hồ, bể chứa nước tại các chung cư này đều lâu ngày không được cọ rửa, rất bẩn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Do vậy, sử dụng nguồn nước từ các bể chứa không được vệ sinh sạch sẽ cũng rất nguy hiểm. Vì nếu có vi khuẩn, chắc chắn bệnh sẽ hoành hành trên diện rộng do mỗi chung cư có hàng trăm hộ dân với hàng ngàn người sinh sống.

Tại buổi họp giao ban bất thường Phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm hôm 9/4, ông Giang cho biết, hiện Sở Y tế đã triển khai thực hiện tập trung nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh này. Đó là tăng cường truyền thông, trong đó tập trung vận động người dân ăn chín, uống sôi, đặc biệt là sử dụng nguồn nước đã khử khuẩn. Với rau sống, TP Hồ Chí Minh chưa ra thông tư cấm, hạn chế ăn rau sống, nhưng cũng đã tăng cường hướng dẫn người dân nếu ăn phải mua ở các cơ sở cung ứng rau an toàn, rửa sạch bằng nước đã khử khuẩn. Đồng thời tiến hành giám sát vi sinh thường xuyên trên các rau sống, đặc biệt là mẫu rau sống được bày lên ăn ở các cửa hàng, quán ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Để quản lý nguồn nước, đảm bảo nước sạch, Sở Y tế đã đưa Chloramin B tới các quận, huyện, khu vực có nguồn nước không đảm bảo, vận động người dân sử dụng các Chloramin này để khử khuẩn nước. Không thể tập trung thành phố mà tập trung những quận, huyện,

Với bể chứa tại các chung cư, Sở Y tế yêu cầu UBND các quận huyện phải có trách nhiệm chỉ đạo, xúc rửa và nâng cấp bể chứa này. Với trường học cũng phải tiến hành tổng vệ sinh, phát Chloramin B để lau chùi ở các nhà trẻ, dùng để khử khuẩn nguồn nước trong trường học.

Đồng thời, cũng tập trung thanh kiểm tra các cơ sở nước đá, nước đóng chai, cơ sở nào nguồn nước sử dụng làm đá và các điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ đóng cửa.

“Tuy nhiên, với đặc thù là một thành phố du lịch, sự giao lưu đi lại lớn và rất đông dân, có nhiều lao động thời vụ từ các địa phương đổ về nên việc khống chế dịch tiêu chảy cấp vô cùng khó khăn. Quan trọng nhất vẫn là người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình và cho cộng đồng”, ông Giang nói.

Được biết, tại TP Hồ Chí Minh đã xác định người thứ hai có phẩy khuẩn tả. Đó là chị N.T.N, con gái của bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên tại địa phương này. Chị N và những người sống tại khu nhà trọ đã được uống thuốc phòng bệnh. Đến nay, chị vẫn chưa có dấu hiệu gì bị tiêu chảy.

Hồng Hải