TPHCM: Một căn bệnh tăng mạnh số ca mắc so với cùng kỳ 2023
(Dân trí) - Trong 20 tuần đầu năm, có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế ở TPHCM, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê từ Sở Y tế TPHCM, 4.471 ca mắc tay chân miệng ghi nhận trong 20 tuần đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương trung bình của 5 năm 2018-2022. Số ca bệnh nặng (từ độ 2b trở lên) là 40 ca, không có ca tử vong.
Về diễn tiến, trong 2 tuần qua (tuần 19 và tuần 20), số ca bệnh hàng tuần có dấu hiệu tăng nhanh hơn những tuần trước đó, tuy nhiên không ghi nhận ca bệnh nặng trong thời gian này.
Về tình hình chung của 20 tỉnh phía Nam, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tổng ca mắc trong 19 tuần đầu năm là gần 13.500 ca, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 55% so với trung bình cùng kỳ 5 năm trước. Số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng gia tăng so với những tuần trước đó. Toàn miền Nam đã có 1 ca tay chân miệng tử vong.
Cho đến hiện nay, hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) chưa phát hiện virus EV71 - tác nhân thường gây ra những vụ dịch tay chân miệng lớn.
Ngành Y tế TPHCM khẳng định luôn trong tư thế chủ động phòng chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên, nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh.
Các kịch bản phân tuyến điều trị ca bệnh triển khai từ năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Ngành Y tế và ngành Giáo dục các cấp phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các trường mầm non, nhóm trẻ.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Do đó, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và chơi đồ chơi sạch.
Cụ thể, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Ngày 25/5, Sở Y tế TPHCM cho biết đang triển khai các hoạt động truyền thông, kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết với chủ đề "Tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng", nhằm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14.
Tính đến trung tuần tháng 5 vừa qua, toàn Thành phố đã ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Ca bệnh xuất hiện ở cả 22 quận huyện, trong đó có những quận huyện có ca mắc cao và tỷ suất mắc trên 100.000 dân cao như Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân. Vì vậy phòng chống sốt xuất huyết cần phải được cả cộng đồng chung tay thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng tuần.
Lễ Mít tinh hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết được tổ chức tại quận Tân Phú vào ngày 26/5 là khởi đầu của hoạt động ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, cũng như diễu hành xe loa truyền thông các thông điệp phòng chống sốt xuất huyết. Sau đó, các quận huyện còn lại trên địa bàn TPHCM cũng sẽ lần lượt tổ chức mít tinh và các hoạt động hưởng ứng.