1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

TPHCM: Loay hoay quản lý hàng rong

(Dân trí) - Tính đến nay, chương trình thí điểm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho hàng rong tại Q.6 và huyện Hoóc Môn (TP.HCM) đã được 4 tháng nhưng mới chỉ 11 giấy được cấp.

11 giấy này đều do Phòng Y tế Q.6 cấp cho các xe đẩy hàng rong trên địa bàn còn huyện Hoóc Môn chưa cấp được giấy nào.

 

Chương trình này được Sở Y tế TPHCM triển khai từ tháng 2/2008, mục tiêu chung là cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, trong đó chú trọng đến hàng rong, xe đẩy. Trước hết là thí điểm ở Q.6 và huyện Hoóc Môn để rút kinh nghiệm nhưng những người thực hiện tại Q.6 và huyện Hoóc Môn đều thừa nhận là không dễ gì quản lý và cấp giấy cho hàng rong.

 

Bởi đặc điểm nổi bật của các gánh hàng rong là di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, rất khó quản lý và kiểm tra. Có khi lúc kiểm tra thì đạt, lúc hành nghề thì không. Vả lại, người dân hành nghề này đa số là dân nghèo, ngày nào cũng phải làm việc nên rất ngại “bỏ bữa” để đi học kiến thức VSATTP, khám sức khỏe, nghe tư vấn… để được cấp Giấy chứng nhận.

 

Trước đó, trong một hội thảo về quản lý hàng rong, ai cũng nhìn nhận hàng rong là một trong những nguồn gốc gây ngộ độc thực phẩm, lây truyền các bệnh đường ruột rất lớn. Tuy nhiên, các đại biểu đều lúng túng trong việc đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả loại hình kinh doanh này.

 

BS Nguyễn Thị Sự, GĐ TT Y tế dự phòng Q.5, cho rằng: “Vấn đề không phải là tấm giấy chứng nhận mà là ý thức người bán hàng? Kiến thức mới thay đổi hành vi chứ không phải tấm giấy chứng nhận sẽ làm thay đổi hành vi”. Do đó, theo BS Sự nên đẩy mạnh khâu tuyên truyền, thành lập các tổ tư vấn đến tận từng người bán hơn là quản lý hàng rong.

 

BS Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, cho biết: “Thức ăn đường phố (hàng rong) hiện chủ yếu tập trung ở các bệnh viện, bến xe, trường học… và “đánh” thẳng vào người nghèo, người thu nhập thấp. Việc nhiễm khuẩn từ thức ăn đường phố diễn ra rất nhiều nhưng lác đác nên không tạo được sự cảnh giác”.

 

Cũng theo ông, thường ai cũng nghĩ những trường hợp nhiễm khuẩn như trên sẽ hết sau vài ngày uống thuốc hoặc điều trị. Nhưng thực tế là đối với những người có sức khoẻ yếu, cơ thể đang suy nhược, việc nhiễm khuẩn này có thể gây ra tử vong bất ngờ.

 

Tùng Nguyên