TPHCM: Gia tăng tỉ lệ người mắc lao bỏ điều trị
(Dân trí) - Bệnh nhân bỏ điều trị lao tăng đột biến trong năm 2008, có nơi tỉ lệ bệnh nhân bỏ trị lên đến 10% tổng số bệnh nhân lao phát hiện. Đó là cảnh báo được đưa ra tại buổi tổng kết chương trình Chống lao TP HCM 2008.
Được biết, trong tổng số 16 trạm chống lao (TCL) ở TP HCM, có đến 11 đơn vị ghi nhận tình trạng bỏ điều trị của bệnh nhân lao. Nhiều đơn vị, tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị ở mức cao như Q.8, tỉ lệ bệnh nhân bỏ trị chiếm đến 10%; ở Q.10 là 9%; Q.Tân Phú có 8,9%... Ngoài ra, có đến 13/24 TCL có tỷ lệ người nhiễm lao/HIV trên mức trung bình của TPHCM (15,9%), trong đó cao nhất là Nhà Bè 22,5%.
Theo BS Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến BV PNT, trước đây, thành phần bệnh nhân bỏ trị lao nửa chừng chỉ tập trung vào bệnh nhân nhiễm đồng thời vừa lao vừa HIV nhưng trong năm nay, những bệnh nhân chỉ nhiễm lao cũng không kiên nhẫn điều trị dứt bệnh.
Đại diện tổ Chống lao Q.8, đơn vị có nhiều bệnh nhân lao bỏ trị cho biết, phần lớn bệnh nhân đều là dân tạm trú, dân nhập cư nay đây mai đó. Vì thế, tổ Chống lao rất khó quản lý việc điều trị. Nhiều trường hợp, nhân viên y tế xuống tận nhà năn nỉ nhưng bệnh nhân vẫn không chịu đi điều trị.
Nhiều tổ Chống lao cũng cho biết, việc không được cung ứng đủ thuốc, y cụ cũng góp thêm phần khó khăn cho việc điều trị bệnh nhân lao. Ngoài vấn đề thuốc cung ứng ít, các trạm chống lao còn phải đi nhiều lần trong mỗi quý mới lĩnh được thuốc. Cũng qua báo cáo cho thấy, việc các TCL không được cung cấp đầy đủ thuốc và y cụ từ Dự án Phòng chống Lao Quốc gia, đã có từ năm 2007 và kéo dài qua năm 2008.
Theo báo cáo của chương trình phòng chống lao TP HCM trong năm 2008, chương trình đã mua hơn 400.000 viên thuốc R/H (75mg và 150mg) nhưng vẫn thiếu và do vướng thủ tục hành chính nên dù có tiền, cũng không thể mua được đủ thuốc cho việc phòng chống lao. Đáng chú ý là hiện thời hạn sử dụng của 2 loại thuốc R/H và PZA mà chương trình đã mua chỉ có hạn sử dụng đến tháng 2 và tháng 3/2009.
Ngọc Thanh