TPHCM: Báo động tình trạng thịt động vật “ngậm” kháng sinh
(Dân trí) - Có tới 23% mẫu thịt heo, 28% mẫu thịt gà được phát hiện tồn dư kháng sinh bày tại các chợ vượt mức cho phép. Kháng sinh trong thịt động vật đang âm thầm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đó là kết quả thống kê được Chi cục Thú y, TPHCM công bố trong quá trình lấy mẫu giám sát đối với sản phẩm thịt động vật kinh doanh tại các chợ trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2015.
Theo đó, Chi cục Thú y đã lấy ngẫu nhiên tổng cộng 159 mẫu thịt heo bày bán tại các chợ để xét nghiệm tồn dư kháng sinh. Kết quả ghi nhận có tới 37/159 mẫu tồn dư kháng sinh Tetracycline vượt mức cho phép. Ngoài ra, việc kiểm nghiệm còn phát hiện thêm 26 mẫu có chữa kháng sinh Sulfadimidin vượt mức.
Thịt heo chứa kháng sinh Tetracycline đã gia tăng ở mức báo động bởi trong năm 2014 việc kiểm tra tương tự của Chi cục Thú y chỉ phát hiện hơn 2% số mẫu có chứa dư lượng kháng sinh này (7/300 mẫu).
Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với mặt hàng thịt gà khi có tới 28% mẫu mang đi kiểm nghiệm tồn dư kháng sinh Enrofloxacin và Flofenicol là những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, cho hay, việc kiểm tra giám sát đã chỉ ra, tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ngày càng phổ biến, gia tăng từng năm. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ trước nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Kháng sinh trong chăn nuôi có thể chứa trong thức ăn của động vật hoặc người dân tự ý sử dụng để tăng đề kháng cho vật nuôi. Hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay là do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp phép. Đại diện ngành thú y kiến nghị cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với quy trình sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm để tránh tình trạng sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ. Người dân không nên vì mục đích lợi nhuận sử dụng kháng sinh và chất tăng trưởng trong chăn nuôi bởi các chất này rất nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc ăn phải thực phẩm có chứa kháng sinh sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Trong trường hợp người bệnh đã dung nạp một lượng lớn kháng sinh qua đường ăn uống khi mắc bệnh sẽ rất khó khăn trong việc điều trị, bởi vi rút gây bệnh đã lờn thuốc.
Li Uyên