TPHCM: 61 ổ dịch sốt xuất huyết mới chỉ trong 1 tuần
(Dân trí) - Sốt xuất huyết đang hoành hành nhiều quận huyện chỉ trong 1 tuần đã ghi nhận 61 ổ dịch mới, nguy cơ lan rộng. Ngành y tế khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Ngày 22/10, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.141 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 699 ca phải nhập viện điều trị, số còn lại điều trị ngoại trú. Bệnh sốt xuất huyết hiện đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bất chấp nỗ lực phòng chống của ngành y tế, sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng đe dọa trực tiếp sức khỏe người dân thành phố, hình thành nhiều ổ dịch. Chỉ trong 1 tuần thành phố đã có tới 61 ổ dịch mới, điểm nóng đang tập trung tại quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn. Hiện ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp như phun hóa chất diệt muỗi, dập ổ dịch, tuyên truyền phòng bệnh trong cộng đồng nhưng chưa ngăn chặn được sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết tăng cao được nhận định là do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan hoặc thiếu ý thức phòng bệnh của cộng đồng đang vô tình tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh có điều kiện sinh sôi phát triển.
Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, ngành y tế thành phố kêu gọi người dân hợp tác với y tế, chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch; các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, ký túc xá, khu vui chơi, khu công nghiệp, nhà trọ… thường xuyên triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Cụ thể, cộng đồng cần: Đậy kín, lật úp vật chứa nước sạch để muỗi không còn chỗ đẻ trứng, mỗi tuần súc rửa và thay nước vật chứa nước đang sử dụng, bỏ muối vào bát nhang bàn thờ ngoài trời, chân chén, dĩa kê chậu cây cảnh, thả cá vào các bể nước hòn non bộ, để diệt lăng quăng; loại bỏ các vật phế thải như chai, lọ, hộp cho vào thùng rác có nắp đậy; thu gom và tiêu hủy các vật phế thải khác quanh nhà.
Mỗi ngày cần chủ động diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy bắt muỗi; mỗi người tránh muỗi đốt cả ngày lẫn đêm bằng cách thoa kem chống muỗi đốt, sử dụng nhang muỗi đặt gần cửa để muỗi không bay vào nhà hoặc đặt gần nơi làm việc có nhiều muỗi; mặc áo tay dài, quần dài, khổ rộng, màu sáng lúc muỗi hoạt động nhiều (sáng sớm và chiều tối), ngủ mùng cả đêm lẫn ngày; Sử dụng cửa lưới ngăn muỗi từ ngoài bay vào, nếu phòng sử dụng máy điều hòa nên đóng của phòng thường xuyên.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện vắc xin phòng bệnh đang trong quá trình nghiên cứu, thí điểm. Người mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể đối mặt với nguy cơ sốc, suy đa cơ quan… Việc điều trị cho những trường hợp nặng chi phí rất tốn kém, nguy cơ tử vong cao.
Để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, bác sĩ khuyến cáo: Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Vân Sơn