1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tổng thống Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ y tế cho Việt Nam

(Dân trí) - Đến thăm Viện Tim TP.HCM ngài Tổng thống Pháp Francoise Hollande bày tỏ vui mừng trước những tiến bộ trong điều trị bệnh tật cho cộng đồng của Việt Nam. Ông cam kết sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ cho Việt Nam phát triển y khoa, đào tạo bác sĩ và chuyển giao kỹ thuật.

Trong chuyến thăm Việt Nam (trưa ngày 7/9), ngài Francoise Hollande, Tổng thống Pháp đã đến thăm Viện Tim, TP.HCM – biểu tượng cho sự hợp tác thuộc lĩnh vực Y tế của Việt Nam và Pháp. Đây là cơ sở y tế được Pháp hỗ trợ xây dựng và chuyển giao kỹ thuật từ thập niên 90 của thế kỷ trước với mục tiêu cứu giúp những bệnh nhân không may mắc phải bệnh tim bằng phương pháp phẫu thuật, can thiệp.

Ngài Tổng thống cùng phái đoàn Pháp đã đi thăm khu kỹ thuật của Viện Tim (Khoa Thông Tim Can Thiệp và phòng mổ) đồng thời dự khán 1 ca nong mạch vành có đặt stent. Sau đó Tổng thống Pháp đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Y Tế PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng Phó chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM ông Lê Thanh Liêm, các bác sĩ Viện Tim và những bác sĩ được đào tạo tại Pháp.

Tổng thống Pháp vẫy tay chào người bệnh và thân nhân đang điều trị tại Viện tim TP.HCM (ảnh: Nguyễn Quang)
Tổng thống Pháp vẫy tay chào người bệnh và thân nhân đang điều trị tại Viện tim TP.HCM (ảnh: Nguyễn Quang)

Trong buổi nói chuyện, Tổng thống Pháp đánh giá cao sự hợp tác Pháp - Việt, đồng thời đánh giá cao sự giúp đỡ của GS. Alain Carpentier đã giúp xây dựng Viện Tim, là một bệnh viện chuyên sâu về Tim mạch, hoạt động phi lợi nhuận, giúp đỡ bệnh nhân nghèo. GS. Alain Carpenter giúp đào tạo đội ngũ bác sĩ tim mạch của Viện Tim có thể phẫu thuật cũng như điều trị tim mạch can thiệp những ca bệnh tim phức tạp từ sơ sinh đến người lớn tuổi.

Từ những ca đầu tiên được chuyên gia Pháp “cầm tay chỉ việc” đến nay, Viện Tim TP.HCM đã làm chủ được các phương pháp phẫu thuật, can thiệp tim mạch tiên tiến trên thế giới. Viện Tim đã trở thành điểm đến tin cậy của người bệnh trong nước, hàng triệu bệnh nhân đã cứu chữa thoát khỏi bệnh tật, có cuộc sống khỏe mạnh.

Cùng với những thành quả đạt được trong lĩnh vực tim mạch, trong cuộc mạn đàm với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại diện ngành y tế Việt Nam, Tổng thống Pháp cũng bày tỏ vui mừng bởi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Pháp cho Việt Nam trong cuộc chiến chống lại “căn bệnh thế kỷ” thời gian qua đã góp phần làm giảm tỷ lệ người nhiễm HIV và số người chết do HIV/AIDS.

Từ năm 1993, khi hiệp định hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực y tế được ký kết, đã có khoảng 2.000 bác sĩ Việt Nam được đào tạo ít nhất một năm tại các bệnh viện của Pháp và được cấp bằng liên đại học cho bác sĩ do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ. Rất nhiều bác sĩ trong số đó đã về nước làm việc, trở thành lực lượng nòng cốt có chất lượng chuyên môn cao, góp phần đắc lực cải thiện năng lực chuyên môn y tế giúp cứu chữa người bệnh trong nước.

Tổng thống Pháp chụp hình lưu niệm cùng nhân viên y tế tại Viện tim (ảnh: Nguyễn Quang)
Tổng thống Pháp chụp hình lưu niệm cùng nhân viên y tế tại Viện tim (ảnh: Nguyễn Quang)

Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại HIV nói riêng và các căn bệnh khác vẫn chưa có hồi kết. Hiện nay, tại Việt Nam mỗi năm vẫn còn hàng nghìn người chết vì AIDS và hàng nghìn người mới nhiễm HIV. Từ khi thoát khỏi danh sách các nước nghèo, nguồn viện trợ của hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ cộng đồng quốc tế cho Việt Nam đang từng bước bị cắt giảm gây không ít khó khăn.

Là quốc gia sáng lập Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, hiện Pháp nằm trong Ban Điều phối viện trợ của Quỹ cho Việt Nam. Trước thực tế của ngành y tế Việt Nam, Tổng thống Pháp khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đóng góp của Pháp vào Quỹ với mức đóng góp cao nhất trong các chương trình hỗ trợ cho Việt Nam phát triển y khoa, đào tạo bác sĩ và chuyển giao kỹ thuật.

Trong chuyến thăm Viện Tim, Tổng thống Francoise Hollande cũng dự lễ ký kết thỏa thuận quan hệ hợp tác giữa công ty Expertise France và Tổ chức phi chính phủ SDCI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng) hướng đến mục tiêu xây dựng chương trình giảm rủi ro do sử dụng ma túy ở thanh niên dưới 20 tuổi tại 8 tỉnh thành Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao, sốt rét.

Sự đóng góp của nước Pháp cho Quỹ phát triển Toàn cầu đang là động lực quan trọng giúp dự phòng, điều trị cho bệnh nhân HIV, hỗ trợ cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ đồng giới tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác trên toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng thống Pháp Francoise Hollande. Bà nhấn mạnh, những hỗ trợ của Chính phủ Pháp trong thời gian qua đang góp phần quan trọng, giúp cải thiện năng lực của của ngành y tế Việt Nam trong nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Vân Sơn - Nguyễn Quang