Tình yêu nghề và nỗi trăn trở của các y bác sĩ
(Dân trí) - Học, học nữa, học cả đời là đặc thù của ngành y để chẩn đoán chính xác, tránh sai sót vì liên quan sinh mệnh con người, song, với tình yêu nghề, các y bác sĩ xem đây là áp lực phải có, nên có, để hôm nay cứu thêm nhiều người hơn hôm qua.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), các bác sĩ bệnh viện FV trải lòng về những góc khuất, niềm vui, trăn trở với nghề, qua đó có những đóng góp giúp ngành y trong nước phát triển hơn nữa, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành y thế giới.
Đối mặt nhiều áp lực
Tình yêu với nghề y nhen nhóm trong lòng Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Khoa Nha và Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện FV - từ những ngày thường xuyên phải ra vào bệnh viện, do sức khỏe thuở nhỏ không tốt. Chính vị bác sĩ thường xuyên khám chữa bệnh cho anh đã trở thành "thần tượng" và động lực để anh theo đuổi sự nghiệp cứu người.
Khác với nhiều nghề nghiệp khác, nghề y thường được tôn vinh, xem trọng như một công việc cao cả. Nhưng cùng với đó, xã hội cũng đặt ra cho người làm công việc này nhiều quy chuẩn và sẵn sàng phán xét khi có hành vi vượt chuẩn. Điều này, vô hình trung, tạo áp lực lớn với đội ngũ y bác sĩ.
"Có trường hợp bác sĩ ứng xử chưa hợp chuẩn khi thăm khám cũng gây nhiều luồng ý kiến. Các tình huống như thế thường gặp. Tuy nhiên, bác sĩ là con người, đôi lúc có những áp lực gây ra những cảm xúc, hành vi chưa đẹp, cũng cần được xã hội thấu hiểu và cảm thông", bác sĩ Tùng trải lòng nhân ngày của nghề.
Cũng theo vị bác sĩ trẻ này, định kiến của xã hội một phần xuất phát từ tính chất công việc của người hành nghề y. Quyết định của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người.
Anh mong xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với người hành nghề y; nhưng đồng thời, các bác sĩ cũng phải liên tục được đào tạo, học hỏi nâng cao kiến thức để tránh đưa ra các quyết định, chẩn đoán sai gây hậu quả lớn cho bệnh nhân. Bản thân anh khi đứng trước mỗi bệnh nhân, luôn cân nhắc kỹ các tình huống có thể xảy ra.
"Tùy theo từng loại bệnh, mình có thể tư vấn hướng này, hướng khác để bệnh nhân có lựa chọn phù hợp cho bản thân. Để làm điều đó, tôi đã phải trải qua nhiều tình huống: có những tình huống nhẹ nhàng, có tình huống bệnh nhân khá căng thẳng. Qua đó, tôi đúc kết nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng điều quan trọng, tôi luôn quán triệt là tư vấn, thực hiện những điều mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân của mình", bác sĩ Thanh Tùng chia sẻ.
Cần mở những câu lạc bộ để nói chuyện với những y bác sĩ từng chịu áp lực vì dịch bệnh
Sinh ra trong gia đình có nhiều anh chị em chọn ngành kỹ sư, bác sĩ Hoàng Quang Minh - Bác sĩ điều trị cấp cao Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV - rẽ theo hướng khác biệt với hoài bão giúp đỡ cho mọi người. Theo anh, nghề nào cũng đáng được tôn vinh và công việc nào cũng cần đặt tinh thần trách nhiệm lên trên hết, làm sao mọi việc đều đạt kết quả tốt nhất có thể.
Trong giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, bác sĩ Quang Minh là một trong những nhân tố quan trọng của Bệnh viện FV trong cuộc chiến này. Anh đánh giá, đây là cú sốc với nhân loại, để lại nỗi đau cho từng gia đình, nỗi ám ảnh với mọi người - nhưng người chịu ám ảnh lớn nhất chính là các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu trực tiếp điều trị bệnh nhân.
"Covid-19 đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều, chín chắn hơn, mạnh dạn xông pha học cái mới. Ngành y không có gì là tuyệt đỉnh, là tốt nhất, đều phải học mỗi ngày thì khi có sự việc xảy ra, chúng ta mới có thể cứu được nhiều người", bác sĩ Quang Minh bày tỏ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua được nỗi ám ảnh này. Theo bác sĩ Minh, ngoài vấn đề đãi ngộ, "nỗi ám ảnh từ đại dịch" là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận y bác sĩ không tiếp tục gắn bó với nghề sau đại dịch.
"Những bác sĩ trẻ vừa vượt qua đại dịch đó, tôi nghĩ họ cần thêm thời gian. Nếu mình tạo nên những câu lạc bộ để nói chuyện với những người từng chịu áp lực vì dịch bệnh, giúp họ vượt qua ám ảnh, có thể họ sẽ quay lại với công việc. Vì khi đã chọn nghề y, chắc chắn họ đã có tình yêu với nghề", anh nói.
Mong xã hội có cái nhìn cảm thông hơn
Với bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện FV - ngành y gắn liền với áp lực. Bản thân chị đã sụt mất 12kg sau 6 năm theo học ngành này. Đến khi ra trường rồi đi làm, áp lực thực tế trong công việc có lẽ không đong đếm hết.
"Yêu cầu của ngành y là tuyệt đối chính xác, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân. Do đó, bác sĩ phải được đào tạo, rèn luyện liên tục, thậm chí không chỉ giỏi về một thứ mà phải giỏi nhiều thứ mới có thể đưa ra quyết định chính xác", nữ bác sĩ cho biết.
Khi chọn chuyên khoa Dinh dưỡng, nhiều người nghĩ ngành này dễ làm, khi không phải trực ca, chỉ cần đọc sách nhiều là được. Nhưng để có những phán đoán, chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân cũng như phục vụ tốt hơn cho chuyên môn mình đang làm, chị cho biết bản thân phải "bươn chải" khắp các chuyên khoa để có cái nhìn bao quát, tránh phiến diện - khám hướng này nhưng tìm ra bệnh khác. Chị còn tham gia trực cấp cứu 10 năm qua để có thêm những kỹ năng mềm như: quyết đoán, nhanh, gọn, hiệu quả...
Nhưng ngoài những áp lực do công việc mang lại, bác sĩ Quỳnh Thư cũng nhận ra rằng, dường như lực lượng áo blouse trắng đang chịu áp lực quá lớn từ dư luận. Cùng hành vi, với công việc khác có thể là bình thường nhưng bác sĩ lại chịu sự phán xét cao hơn.
"Mong xã hội có cái nhìn cảm thông hơn với ngành y. Không làm thì không sai sót, hễ làm là có sai sót. Nhưng kỹ năng và kinh nghiệm sẽ hạn chế sai sót. Do đó, mỗi bác sĩ phải học hỏi, luyện tập, nghiên cứu liên tục để hạn chế tối đa các rủi ro. Nghề này là học nữa, học mãi, học đến già. Đó cũng là điểm thú vị của ngành y", bác sĩ Thư bộc bạch.
Ngành y cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa
Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Công Minh, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện FV, được xem là "con nhà nòi" khi có ba mẹ đều là bác sĩ. Có lẽ do được "di truyền" về lý tưởng, nên ngay từ khi trên ghế nhà trường phổ thông, anh đã có sự yêu thích đặc biệt với bộ môn Sinh học.
Anh chia sẻ, Covid-19 đã mang đến nhiều thay đổi trong ngành y lẫn bác sĩ. Thay đổi lớn nhất là đội ngũ này luôn cảm thấy mình cần học hỏi nhiều hơn để có thể phản ứng nhanh nhạy. Khi xảy ra những tình huống tương tự, họ muốn mình là người đầu tiên có thể giải thích, cảnh báo cho cộng đồng để tránh những tổn hại nặng nề như vừa qua.
"Tôi nghĩ bản thân tôi và các y bác sĩ sẽ thay đổi hơn nữa. Với nhiều bệnh nhân Covid-19, việc điều trị từ xa tưởng chừng không khả thi, không hiệu quả, khá rủi ro. Nhưng lúc đó tôi vẫn quyết định làm, tư vấn, chữa trị từ xa cho các bệnh nhân Covid-19 vì cần cứu người nhanh nhất có thể. Các y bác sĩ đã có sự năng động, nhanh nhạy hơn, học hỏi nhiều hơn từ dịch bệnh này, những phương thức tưởng chừng không khả thi vẫn có thể thực hiện được", bác sĩ Công Minh tâm sự.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ bày tỏ mong muốn nhân lực ngành y sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa. Khi không có dịch bệnh, họ là những người không nổi bật. Nhưng giai đoạn dịch bệnh vừa qua đã cho thấy đây là lực lượng quan trọng, như những chiến sĩ nơi "đầu sóng ngọn gió". Nếu được đảm bảo thu nhập, các bác sĩ tin sẽ không có ai muốn làm thêm quá sức hoặc phải bỏ nghề.
"Ngành y có nhiều tiềm năng phát triển, lực lượng giỏi, chịu học hỏi. Tôi mong ngành y Việt Nam sẽ phát triển ngang với nhiều nước. Và tôi tin điều này hoàn toàn có thể làm được, miễn là có sự đầu tư đúng đắn, tạo môi trường thuận lợi cho y bác sĩ làm việc", bác sĩ Minh chia sẻ.