Tính ưu việt của kỹ thuật dẫn lưu đường mật qua da
(Dân trí) - Bị tắc mật do sỏi nhưng người bệnh đến bệnh viện quá muộn, trong tình trạng sốc nặng không cho phép phẫu thuật, khi đó dẫn lưu đường mật qua da là giải pháp tình thế cuối cùng để cải thiện tình trạng sốc và có thể cứu sống người bệnh.
Kỹ thuật dẫn lưu đường mật qua da tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội được áp dụng với những trường hợp tổn thương ác tính gây tình trạng tắc mật nhưng không còn khả năng phẫu thuật như: ung thư gan, ung thư đường mật, ung thư vùng rốn gan, ung thư vùng đầu tụy...
Khi được dẫn lưu đường mật qua da sẽ kéo dài thêm thời gian sống, làm giảm và mất đi các triệu chứng lâm sàng cho người bệnh.
Dẫn lưu đường mật qua da là thủ thuật đặt ống dẫn lưu vào trong đường mật để dẫn lưu dịch mật ra ngoài.
Trên thế giới, dẫn lưu đường mật qua da được áp dụng điều trị cho những bệnh nhân sốc mật, lấy sỏi đường mật, các khối u ác tính trong ổ bụng gây giãn đường mật nhưng không còn khả năng phẫu thuật cắt bỏ u, dò mật do các nguyên nhân, phối hợp với nhiều các thủ thuật nội soi can thiệp trong chẩn đoán và điều trị.
Ở Việt Nam, việc áp dụng kỹ thuật này còn nhiều khó khăn. Bộ dụng cụ dẫn lưu chuyên dụng có giá thành rất cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và rất khó đặt mua, hơn nữa, màn tăng sáng truyền hình luôn đặt cố định tại một phòng, không thể di chuyển đến nơi có bệnh nhân nặng, trong khi việc vận chuyển bệnh nhân sốc mật là hết sức nguy hiểm.
Năm 2005, Khoa chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành điều trị cho 6 bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân sốc mật nặng đe doạ tính mạng, 2 bệnh nhân bị ung thư đường mật và túi mật giai đoạn cuối không thể phẫu thuật nhưng đã kéo dài được thời gian sống và giảm đi các triệu chứng.
Thời gian thực hiện kỹ thuật dẫn lưu đường mật qua da trung bình là 30 phút, dịch mật đảm bảo dẫn lưu tốt, chưa có bệnh nhân nào xảy ra biến chứng. |
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ sử dụng máy siêu âm di động vận chuyển đến từng giường bệnh. Cơ sở của phương pháp là chọc dẫn lưu đường mật trong gan bằng kỹ thuật tay tự do dưới hướng dẫn của siêu âm.
Kỹ thuật này cho phép luôn kiểm soát được đầu kim, đường đi của kim và có thể điều chỉnh đến đúng vị trí cần chọc theo ý muốn của người thầy thuốc. Do vậy, kỹ thuật tay tự do hoàn toàn cho phép đặt được ống dẫn lưu vào trong lòng đường mật ở chính xác vị trí mong muốn mà không cần đến sự trợ giúp của màn tăng sáng truyền hình.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng sử dụng bộ dụng cụ can thiệp mạch máu đã dùng một lần, tiến hành khử trùng theo qui trình chuẩn để sử dụng lại thay thế cho bộ dụng cụ dẫn lưu chuyên dụng góp phần giảm đi số tiền chi phí cho người bệnh.
Chọc dò đường mật trong gan dưới hướng dẫn của siêu âm bằng kỹ thuật tay tự do có đặc điểm an toàn, chính xác, dễ thực hiện, cho nên ngoài mục đích dẫn lưu đường mật trong điều trị còn có thể tiến hành chụp đường mật để chẩn đoán nguyên nhân và vị trí tắc mật, giúp cho các thầy thuốc tìm ra những giải pháp điều trị can thiệp hợp lý nhất cho người bệnh.
BS Trần Văn Phúc
Bệnh viện Xanh Pôn