1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để xóa “bao cấp ngược”

(Dân trí) - Tình trạng bao cấp giá dịch vụ y tế bằng ngân sách Nhà nước đang thực hiện tràn lan, người không tham gia bảo hiểm cũng thụ hưởng mức giá thấp. Tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm Y tế, tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Bao cấp viện phí cho cả người giàu

Vấn đề trên đã được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu ra trong Hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình Bảo hiểm Y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tổ chức ngày 14/4 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bảo hiểm Y tế được xác định là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, nhiều năm qua nhà nước đã dành một nguồn ngân sách khổng lồ để hỗ trợ mua Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi, người cận nghèo.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sẽ khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm Y tế
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sẽ khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm Y tế

Hiện nay, giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công trên cả nước mới đáp ứng được khoảng 60 - 80% các chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Trong bối cảnh viện phí chưa đủ đáp ứng để bệnh viện thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh, chi trả lương, phụ cấp cho nhân viên y tế thì Nhà nước đã phải duy trì cơ chế bao cấp, bổ sung nguồn ngân sách bù vào khoản thiếu hụt để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, thực tế và cũng là hạn chế nêu trên của ngành y tế Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và chỉ ra. Chúng ta đang thực hiện chính sách “bao cấp ngược”. Nhà nước thực hiện thu viện phí với mức giá thấp hơn 20-40% so với giá thực tế đồng nghĩa với việc tất cả mọi đối tượng đều được hưởng lợi. Đúng lý ra, việc bao cấp chỉ thực hiện đối với những người bệnh không có khả năng chi trả thì hiện nay việc bao cấp lại thực hiện tràn lan sang cả đối tượng có khả năng chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Để xóa tình trạng bao cấp ngược nêu trên, ThS Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế Hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay: Chính phủ đã quyết định thực hiện tính đúng, tính đủ đối với giá dịch vụ y tế, theo đó giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh từng bước,

đến năm 2020 ngành y tế sẽ thực hiện triệt để việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Chính sách mới sẽ tăng chất lượng khám chữa bệnh

ThS Nguyễn Nam Liên cho biết, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ sẽ bao gồm 7 yếu tố: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo tính toán của Bộ Y tế, việc tính đúng tính đủ sẽ đảm bảo được sự công bằng xã hội. Với những người không tham gia bảo hiểm y tế, có đủ khả năng chi trả viện phí sẽ phải thanh toán mức phí khám chữa bệnh đúng với giá thực tế khi không còn được bao cấp nên đối tượng này sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ khám chữa bệnh. Nguồn thu hợp lý này sẽ tăng ngân sách Nhà nước để đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh Phong, Tâm thần; giảm dần việc cấp ngân sách trực tiếp cho bệnh viện, chuyển sang hỗ trợ đối tượng thụ hưởng thông qua Bảo hiểm Y tế.


Chính sách mới sẽ góp phần tăng chất lượng điều trị và tính cạnh tranh giữa y tế công - tư
Chính sách mới sẽ góp phần tăng chất lượng điều trị và tính cạnh tranh giữa y tế công - tư

Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ tạo gánh nặng cho các đối tượng không tham gia bảo hiểm nhưng không làm ảnh hưởng đến các đối tượng thuộc diện Bảo hiểm Y tế nên sẽ khuyến khích được người dân tham gia Bảo hiểm Y tế góp phần thực hiện thành công chủ trương Bảo hiểm Y tế toàn dân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay: Khi giá dịch vụ được tính đủ, bệnh viện công sẽ không được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan bảo hiểm Xã hội sẽ không ký hợp đồng.

Khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì mặt bằng giá dịch vụ của bệnh viện nhà nước, giá dịch vụ từ các hoạt động xã hội hóa, giá dịch vụ của bệnh viện ngoài công lập sẽ tương đương nên không còn tình trạng 2 giá như hiện nay. Điều này tạo sự công bằng cho y tế nhà nước và y tế tư nhân, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích sự phát triển của bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Người bệnh sẽ lựa chọn cơ sở y tế tốt nhất không kể công hay tư nhưng có mức giá ngang ngang nhau thay vì chỉ đổ dồn về bệnh viện công như hiện nay.

Cục Trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh khẳng định: “Việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan trong quá trình hội nhập. Đây không phải là tăng chi phí khi thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước phải bao cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế.”

Vân Sơn