Tìm ra phân tử có khả năng khiến tế bào ung thư tuyến tụy phải 'tự sát'
Các nhà khoa học Israel mới đây đã phát hiện được phân tử PJ34 có thể gây ảnh hưởng mạnh thậm chí tiêu diệt được tới 90% tế bào ung thư tuỵ trên chuột thí nghiệm.
Cụ thể, Giáo sư Malka Cohen-Armon và một nhóm các nhà khoa học từ Trường y Sackler tại Đại học Tel Aviv đã tiến hành thử nghiệm cấy ghép ung thư tuyến tụy ở người vào chuột. Hệ thống miễn dịch của chuột được điều chỉnh một cách nhân tạo để cơ thể chúng không đào thải các tế bào được cấy ghép.
Theo các nhà khoa học, khi được tiêm vào bên trong các khối u chứa tế bào ung thư người, PJ34 đã kích hoạt chế độ tự hủy của chúng. Phân tử PJ34 có khả năng thấm qua màng tế bào nhưng chỉ ảnh hưởng đến tế bào gây ung thư mà không tác động đến tế bào khỏe mạnh thông thường.
Nghiên cứu của cô được thực hiện trên 24 con chuột chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm 8 con. Một trong ba nhóm chuột được để yên, không điều trị với vai trò là nhóm đối chứng. Hai nhóm còn lại được điều trị bằng PJ34 theo các khoảng thời gian khác nhau. Một nhóm chuột được điều trị theo phác đồ 5 ngày liên tiếp mỗi tuần và kéo dài trong 3 tuần. Nhóm thứ hai được điều trị bằng PJ34 3 lần một tuần hay 2 ngày một kéo dài trong 3 tuần.
Theo đó, kết quả cho thấy chỉ có nhóm được điều trị hàng ngày bằng PJ34 (5 lần một tuần) chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong kích thước khối u, một mức giảm tới 40%. Tuy nhiên, cả hai nhóm chuột được điều trị đều đạt tới sự suy giảm khoảng 80-90% tế bào ung thư sau một tháng kết thúc phác đồ.
Trên một cá thể chuột, khối u thậm chí đã biến mất hoàn toàn vào ngày thứ 56 của cuộc nghiên cứu. Giáo sư Cohen-Armon đặc biệt lưu ý rằng các tế bào bình thường không bị ảnh hưởng và lũ chuột không cho thấy bất kỳ tác dụng phụ nào được quan sát. Thử nghiệm cũng cho kết quả tương tự với các loại ung thư vú, ung thư não, ung thư phổi và buồng trứng, thậm chí với các tế bào ung thư kháng mọi liệu pháp điều trị hiện tại.
Nghiên cứu được thực hiện dưới sự hợp tác của hai nhóm nghiên cứu. Nhóm đầu tiên đến từ Khoa Y Sackler thuộc Đại học Tel Aviv đứng đầu là Giáo sư Malka Cohen-Armon. Nhóm thứ hai đến từ Đơn vị Nghiên cứu Ung thư tại Trung tâm Y tế Sheba đứng đầu là Tiến sĩ Talia Golan.
"Trong nghiên cứu công bố năm 2017, chúng tôi đã phát hiện ra một cơ chế kích hoạt sự tự hủy của tế bào ung thư trong quá trình nhân đôi (nguyên phân), mà không gây ra tác dụng phụ cho các tế bào bình thường. Hiện tại, chúng tôi đã khai thác các kiến thức đó để loại bỏ hiệu quả các tế bào ung thư tuyến tụy ở người trong những con vật thí nghiệm xenogcraft. Các kết quả thu được hiện tại gợi ý rằng, bằng cách sử dụng một phân tử nhỏ kích hoạt cơ chế tự hủy của tế bào, phương pháp này có thể được ứng dụng để điều trị nhiều loại bệnh ung thư khác nhau ở người”, Giáo sư Cohen-Armon cho hay.
Những con vật xenogcraft mà Giáo sư Cohen-Armon nói đến ở đây là những con chuột được cấy ghép tế bào ung thư người sang cơ thể mình (Xenogcraft là thuật ngữ dành cho việc ghép mô hoặc nội tạng từ loài vật này sang loài vật khác). Trong trường hợp phân tử PJ34, bởi chưa được phép thử nghiệm trên người, việc cấy các tế bào ung thư tuyến tụy vào cơ thể chuột sẽ cho các nhà khoa học có được kết quả xác thực nhất với những gì họ định làm trên cơ thể bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, các nghiên cứu của nhà khoa học Israel có tiềm năng lớn để phát triển các liệu pháp hiệu quả mới để điều trị căn bệnh ung thư hung hãn này ở người. Nó cũng có thể là một phương thuốc cực kỳ quan trọng chống lại các dạng ung thư vú, phổi, não và buồng trứng ác tính. Một nhóm nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm trên động vật có vú, và sau đó trên các bệnh nhân tự nguyện.
Ung thư tuyến tụy vẫn được coi là một trong những bệnh ung thư nghiêm trọng và khó chữa nhất. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện ra ở giai đoạn cuối, vì trong giai đoạn đầu không xuất hiện những triệu chứng đáng chú ý. Y học hiện đại chưa có thuốc chữa ung thư tuyến tụy hiệu quả, ngày nay, theo các chuyên gia, thời gian sống trung bình của bệnh nhân sau phẫu thuật là 15-19 tháng.
Theo Vietq.vn