1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tìm ra "bệnh da lạ" ở Quảng Ngãi

(Dân trí) - Căn bệnh khiến nhiều người dân ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi bỗng nhiên bị tổn thương da, nhiễm độc gan và tiến triển nhanh nếu không được điều trị, thậm chí dẫn đến tử vong đã được các nhà khoa học "gọi tên" và chỉ ra phác đồ điều trị.

Tìm ra "bệnh da lạ" ở Quảng Ngãi - 1
Bệnh da lạ ở Ba Tơ, Quảng Ngãi được xác định là bệnh viêm da bàn tay và bàn chân
 

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế qua nhiều lần khám thực địa, thảo luận chuyên môn đã "gọi tên" căn bệnh lạ làm người bệnh bỗng nhiên bị dày sừng, lở loét lòng bàn tay, bàn chân… và diễn tiến ngày càng nặng là bệnh viêm da bàn tay và bàn chân và do nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật (chưa xác định chính xác là loại gì)

 

Hội đồng chuyên môn cũng đã đưa ra phác đồ điều trị và Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh này tại cơ sở y tế trên toàn quốc khi gặp các biểu hiện:

 

- Thể nhẹ: dát đỏ, dày sừng, khô da ở các vị trí bàn chân, bàn tay, đầu và kẽ ngón, nhất là vùng tỳ đè và rìa lòng bàn tay bàn chân; để lại viền vảy khô ở xung quanh sau khi bong vảy. Ngoài ra người bệnh có thể có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, kém ăn, sốt và có cảm giác tê bì ở bàn tay bàn chân. Xét nghiệm cận lâm sàng sẽ cho kết quả men gan trong máu tăng cao.

 

- Thể nặng: kèm các biến chứng thứ phát như viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng hoặc các bệnh mãn tính nặng thêm.

 

Đối tượng thường bị nặng làg trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người lớn mắc các bệnh mạn tính.

 

Khi nghi ngờ mắc bệnh phải được thông báo kịp thời cho cơ quan y tế tại địa phương. Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Tiến hành điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế, phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân.

 

Để phòng bệnh viêm da bàn tay và bàn chân, người dân cần vệ sinh môi trường sạch sẽ bằng cách tăng cường rửa tay, chân bằng nước sạch, nhất là sau khi làm việc ở nương rẫy; Tránh tiếp xúc với các hóa chất, nhất là các thuốc trừ sâu diệt cỏ; Sử dụng các phương tiện bảo hộ an toàn, đúng quy cách khi phải thực hiện các hoạt động trên nương rẫy: Ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh.

Hồng Hải