Tìm hiểu về ngôi thai

Các bà mẹ có con nghịch ngợm thường hay phân bua cùng hàng xóm thế này: “Con tui đâu có sinh ngược mà sao tính tình ngược ngạo kỳ cục vậy”! Những tư thế nào của em bé khi chuẩn bị lọt lòng mẹ được xem là “ngược”?

 

Tìm hiểu về ngôi thai - 1


 

Chia ngôi theo thế

 

Ngôi thai là phần thai trình diện ngay khung chậu mẹ, là phần sẽ đi vào ống sinh dục và ra ngoài cơ thể mẹ đầu tiên. Chia ra các loại: ngôi dọc là trục đầu – chân của thai trùng với trục đầu – chân của mẹ, ngôi ngang là hai trục này vuông góc nhau. Ngôi dọc gồm ngôi thuận là ngôi đầu, hay nghịch (ngược) là ngôi mông. Với ngôi đầu, còn chia thêm: ngôi chỏm là lúc đầu bé cúi nhiều nhất; ngôi thóp trước hay ngôi trán là lúc bé ngửa đầu nhiều; ngôi mặt là lúc ngửa nhiều nhất, đưa toàn bộ mặt ra trước. Hơn 90% các trường hợp sanh là ngôi chỏm, còn lại xếp theo thứ tự là ngôi mông, ngôi ngang và các ngôi đầu cúi không tốt.

 

Ngôi chỏm là ngôi thông thường và có thể sanh tự nhiên khi kích thước bé và khung chậu của mẹ tương xứng nhau. Đầu bé càng cúi nhiều sẽ giúp cho phần đầu “trình diện” với khung chậu dễ dàng và tương xứng. Ngôi mặt là khi đầu ngửa tối đa, cũng làm kích thước phần trình diện của đầu nhỏ nhất, nhưng chỉ sanh được khi cằm hướng ra phía trước của mẹ. Còn các ngôi đầu khác đều làm cho kích thước phần đầu trình diện khung chậu sẽ to hơn và buộc phải sanh mổ mới ra được.

 

Ngôi mông là trường hợp sanh khó so với ngôi đầu. Phần đầu vốn to và khá cứng - có hạn chế trong việc thu hẹp thể tích, trong khi các phần khác (mông, bụng, vai) vốn mềm hơn và dễ thu hẹp khi qua đường sinh dục của mẹ. Trong ngôi đầu, phần khó nhất sẽ ra trước, trong quá trình theo dõi sanh, bác sĩ sẽ dễ dàng đánh giá được liệu phần đầu có thoát ra dễ dàng hay không, từ đó có quyết định sớm nên sanh thường hay sanh mổ. Trong khi đó, với ngôi mông, sanh khó sẽ xảy ra ở phần sanh đầu sau khi mông – bụng và vai đã ra, và khó nhất với người bác sĩ là làm sao tiên lượng được phần đầu sẽ ra dễ dàng ngay từ trước cuộc sanh, để có quyết định đúng đắn.

 

Ngôi mông, có thể sanh thường hay sanh mổ, tuỳ thuộc trọng lượng thai nhi, kích thước khung chậu của mẹ và tương xứng giữa thai với khung chậu mẹ, tư thế của thai nhi trong bụng mẹ, sự hợp tác của sản phụ và kinh nghiệm của người đỡ sanh. Khi sanh thường, cần rất nhiều sự hỗ trợ của người đỡ khi sanh các phần sau mông, nhất là phần đầu. Có thể gặp một số tai biến do kỹ thuật đỡ sanh hoặc do tư thế của thai nhi, như gãy xương hay trật khớp thai nhi, chấn thương phần mềm vùng cổ gây liệt các dây thần kinh chi phối vùng tay (làm liệt hay yếu tay sau đó), chấn thương vùng đầu (nặng nhất là xuất huyết não); có khi do cuộc sanh khó khăn và kéo dài, sẽ gây ngạt cho bé.

 

Với ngôi mông kiểu chân, thai nhi gần như đứng trong buồng tử cung của mẹ và trình diện phần chân ra trước, chỉ định mổ được đặt ra ngay từ đầu vì không thể sanh thường.

 

Đã “ngược” nên khó sanh thường

 

Chẩn đoán ngôi thai thường vào các tuần cuối cùng (36 tuần trở đi) thì mới có giá trị, vì trước đó thai vẫn còn di động và thay đổi phần ngôi. Chẩn đoán dựa vào nắn ngoài vùng bụng và hỗ trợ của siêu âm. Chẩn đoán được ngôi thai thì mới chọn được hướng sanh đúng, có cách can thiệp phù hợp giúp mẹ tròn con vuông.

 

Khám xét bụng, siêu âm nhằm đánh giá sự tương xứng giữa trọng lượng thai với khung chậu của mẹ để từ đó người đỡ sanh chọn lựa cách sanh phù hợp. Khi trọng lượng thai (ngôi ngược) được đánh giá hơn 3.500g, thường mổ sanh sẽ được chọn. Nhiều bác sĩ có khuynh hướng chọn mổ sanh với tất cả các ngôi mông, nhằm tránh các tai biến cho thai nhi như đã kể trên. Cũng vì vậy, ngày nay hầu như các trường hợp ngôi mông đều chọn cách sanh mổ, trừ khi là đứa thứ hai trong song thai hoặc khi “sự đã rồi” – ngôi mông đến trễ, cổ tử cung mở hết và em bé đã “đưa mông” sẵn sàng để ra.

 

Chẩn đoán ngôi thai thường vào các tuần cuối cùng (36 tuần trở đi) thì mới có giá trị, vì trước đó thai vẫn còn di động và thay đổi phần ngôi. Chẩn đoán dựa vào nắn ngoài vùng bụng và hỗ trợ của siêu âm. Chẩn đoán được ngôi thai thì mới chọn được hướng sanh đúng, có cách can thiệp phù hợp giúp mẹ tròn con vuông.

 

Tuy nhiên, khi chọn mổ sanh, vẫn còn những nguy cơ như tai biến do gây tê – gây mê, băng huyết sau sanh, bé hít nước ối, và quan trọng nhất là vết sẹo tử cung của mẹ có thể gây khó khăn cho những lần mang thai sau.

 

Việc ngoại xoay thai là cố gắng dùng tay sờ nắn bên ngoài bụng nhằm xoay thai lại cho đầu xuống dưới. Thủ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm và cần dùng thêm các thuốc nhằm khống chế cơn gò tử cung trước, trong và sau thủ thuật. Một số tai biến có thể gặp trong thủ thuật này là sanh non, vỡ ối, nhau bong non (bong trước khi thai ra đời), cũng như đa số trường hợp thai cũng tự xoay lại thành ngôi mông sau khi đã được thực hiện thủ thuật.

 

Ở ngôi ngang, em bé nằm ngang, cột sống em bé vắt ngang cột sống mẹ, có thể đưa phần lưng hay phần chi ra trước, khi khám vào có thể sờ thấy mỏm vai của bé hay phần tay chân lổn nhổn. Ngôi ngang thì chỉ có mổ sanh do kích thước các phần thai đưa ra quá lớn không thể lọt vào đường sinh dục của mẹ. Khi thai non tháng hoặc thai thứ hai trong sanh đôi, có thể cho sanh tự nhiên ngôi ngang (bằng cách nắm chân kéo lại thành ngôi mông).

 

Tại mẹ hay tại con?

 

Lý do để có các kiểu ngôi thai bất thường có thể do cả mẹ hay con. Ví như, mẹ con so có thành bụng chắc sẽ làm bé khó quay đầu trong các tuần cuối gây ra ngôi mông, ngược lại, các bà mẹ sanh nhiều có thành bụng nhão lại làm thai khó cố định và hay có ngôi ngang, tử cung có bất thường hay có u xơ cũng dễ gây ra ngôi bất thường, bé có vấn đề ở vùng cổ – gáy, hay có dây rốn quấn cổ nhiều vòng cũng sẽ làm đầu cúi không tốt dễ đưa đến các ngôi đầu bất thường; thai sinh non thường là ngôi bất thường vì chưa có thời gian cố định ngôi, chọn vị trí thuận lợi nhất.

 

Một số người lớn tuổi khuyên tập các động tác thể dục nhằm giúp thai xoay dễ dàng, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tác dụng này. Tuy nhiên, việc đi lại, hoạt động nhẹ trong những tuần cuối sẽ giúp sản phụ cảm thấy thoải mái, giảm bớt áp lực chờ đợi, cũng như tạo điều kiện cho bé vận động, lựa chọn được vị trí và hướng thích hợp nhất để đi vào đường sanh của mẹ.

 

Theo ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

SGTT

Dòng sự kiện: Mang thai