Tiêu chảy do rota vi-rút: Càng nhỏ tuổi càng nặng
(Dân trí) - Hầu hết trẻ em trên khắp thế giới đều bị tiêu chảy do rota vi-rút trong 5 năm đầu đời. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ nhiễm vi-rút này càng cao và triệu chứng bệnh càng nặng.
Trẻ có thể bị nhiễm Rota vi-rút ở giai đoạn rất sớm từ 6-24 tháng tuổi thậm chí có thể gặp từ 3 tháng tuổi.
Nguồn lây chủ yếu là qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Vi-rút được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu trong phân, ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật… bị nhiễm. Trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn qua do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm bẩn.
Sau khi nhiễm vi-rút, trẻ sẽ bị nôn ói khoảng 6-12 tiếng, có khi kéo dài 2-3 ngày mới bắt đầu có biểu hiện đi phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đàm nhớt, nhưng không có máu kèm theo đó là sốt, ho, chảy nước mũi. Với trẻ bị nặng sẽ có các biến chứng như môi, lưỡi, da trở nên khô, tiểu ít, quấy khóc, thậm chí là tử vong (9% trẻ tiêu chảy bị tử vong là do vi-rút này).
Trong khi đó, các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường không hiệu quả trong phòng ngừa rota vi-rút.
“Rotavirus có tính lây nhiễm rất cao & trẻ có thể nhiễm ở giai đoạn nhỏ nên việc bảo vệ sớm cho trẻ bằng vắc-xin là yếu tố vô cùng quan trọng”, BS. Carlo Giaquinto, Giám đốc bộ phận Nhiễm Nhi- Sơ sinh & nghiên cứu lâm sàng Nhi, ĐH Padova, Ý, cho biết tại Hội thảo “Chủng ngừa Rotavirus- Trẻ cần được bảo vệ sớm” diễn ra mới đây tại Hà Nội.