1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiếp tục điều chỉnh tăng giá viện phí

(Dân trí) - Từ nay đến năm 2018 giá viện phí sẽ dần được điều chỉnh đến mức tính đúng, tính đủ. Bộ Y tế khẳng định mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến đối tượng có thẻ BHYT, đối tượng cần hỗ trợ như người nghèo, cận nghèo...

Tăng theo lộ trình

Chiều 23/12, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, giá viện phí vẫn tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình. Tuy nhiên, việc tăng giá này cũng chưa thực hiện điều chỉnh ở mức tối đa của Thông tư số 04, mà tăng theo nhóm. Nhóm 1 gồm các bệnh viện hạng đặc biệt, BV hạng I đầu ngành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng 94-95% mức tối đa của khung giá; Nhóm 2 gồm BV hạng I đóng tại các dịa phương khoảng 90-92%; Nhóm 3 các bệnh viện tuyến Trung ương còn lại khoảng 88%...
 
Dịch vụ y tế sẽ tăng chất lượng khi viện phí được tiến tới tính đúng, tính đủ. Ảnh minh họa: H.Hải

Dịch vụ y tế sẽ tăng chất lượng khi viện phí được tiến tới tính đúng, tính đủ. Ảnh minh họa: H.Hải

Trong năm 2014, TP Hồ Chính Minh thực hiện giá viện phí mới từ 1/6/2014. Còn lại 14 tỉnh điều chỉnh giá, trong đó có tỉnh điều chỉnh theo lộ trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua từ năm 2012, có một số tỉnh bổ sung, điều chỉnh giá nhưng tất cả mức tăng, điều chỉnh này đều nằm trong phạm vi các thông tư hướng dẫn trước đó.

Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2015 giá viện phí sẽ tính đủ với các chi phí trực tiếp, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật, tính thêm 30% tiền lương với bệnh viện tuyến tỉnh thuộc miền núi và Tây Nguyên, bệnh viện quận của Hà Nội, tính thêm 50% chi phí về tiền lương đối với bệnh viện Trung ương và các thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2017 sẽ thực hiện tính đủ 100% tiền lương đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương; 50% tiền lương đối với bệnh viện tuyến huyện.

Giai đoạn từ 2018 trở đi sẽ tính đầy đủ các chi phí, bao gồm các chi phí trực tiếp, tiền lương, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

“Việc tính đúng, tỉnh đú giá dịch vụ y tế về cơ bản không phải là tăng phi phí, mà trước đây, các khoản nhà nước bao cấp thì nay sẽ tính vào giá để chuyển phần ngân sách nhà nước đang bao cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT”, ông Nam Liên cho biết.

Hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo

Ông Nam Liên cho biết, đến nay cả nước có 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 3 triệu người cận nghèo đã được Nhà nước mua và hỗ trợ thẻ BHYT.

Tuy nhiên, khi giá viện phí được điều chỉnh theo lộ trình, tiến đến tính đúng, tính đủ, để không gây tác động đến nhóm đối tượng này, Luật BHYT đã được sửa đổi. Theo đó, từ 1/1/2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100%, không phải đồng chi trả thêm 5% như trước đây. Với đối tượng người cận nghèo trước phải đồng chi trả 20%, nay sẽ chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh.

“Còn với các đối tượng khác, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tiến tới tính đúng, tính đủ sẽ giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh được lợi vì BHYT thanh toán ở mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của họ đối với các dịch vụ mà trước đây mức viện phí thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí. Hay như trước đó, nhiều dịch vụ bệnh viện không thể triển khai vì mức thu thấp, nay được triển khai, người bệnh được điều trị tốt và lại được BHYT chi trả”, ông Nam Liên phân tích về tác động tích cực của việc tăng giá viện phí.

Bởi khi được thu với mức giá tiến tới tính đúng, tính đủ các bệnh viện sẽ có điều kiện để tăng chất lượng của cac dịch vụ y tế. Đặc biệt, khi đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Cũng theo ông Nam Liên, hiện nay, do giá viện phí vẫn ở mức thấp, nên nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT đã từ chối tham gia BHYT, tự bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh. Với những người bệnh này khi giá viện phí được điều chỉnh tăng họ sẽ thấy được rõ hơn lợi ích của thẻ BHYT, chỉ phải chi một khoản nhỏ hàng năm nhưng sẽ được Quỹ BHYT chi trả khi không may rủi ro ốm đau.

Ngoài việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, tới đây từ 1/1/2015 tới đây, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo cũng được mua thẻ BHYT.

Ông Liên cho biết, song song với điều chỉnh giá viện phí theo lộ trình, các bệnh viện cũng phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, giảm tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo người bệnh được chăm sóc y tế tốt nhất.

Từ năm 2015 khám vượt tuyến sẽ không được bảo hiểm thanh toán

Theo Luật BHYT được điều chỉnh, từ 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh được thanh toán ở mức 40% nhưng chỉ áp dụng với trường hợp nằm viện điều trị nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Tương tự khi vượt tuyến tỉnh, mức hưởng sẽ là 60% chi phí nhưng cũng chỉ áp dụng với điều trị nội trú. Từ 1/1/2021 sẽ nâng lên là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước.

Với tuyến huyện, mức hưởng trong năm 2015 sẽ là 70% chi phí khám, chữa bệnh. Từ 1/12016 thì sẽ là 100% chi phí trong cùng địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2016, Bộ Y tế cũng sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa tại tất cả các đơn vị tương đương trong tuyến trong cùng địa bàn tỉnh.

 Tú Anh