Tiếng kêu của khớp có nguy hiểm?

Tôi 45 tuổi. Gần đây, mỗi lần lên xuống cầu thang tôi thấy đầu gối bị đau nhẹ và khi cử động thì nghe tiếng kêu lụp cụp. Tôi bị bệnh gì? Bệnh có dễ điều trị không? - Lê Thị Tuyết (Q.7, TPHCM)

  

BS Đỗ Tiến Dũng, Trưởng khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), tư vấn:


BS Đỗ Tiến Dũng, Trưởng khoa Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), tư vấn:

 

Theo mô tả, nhiều khả năng khớp gối của chị đang bị thoái hóa. Để biết được mức độ thoái hóa cụ thể, cần phải khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

 

Các triệu chứng thường gặp của bệnh là: đau tại chỗ, đau tăng khi vận động, đau từng đợt; sưng khớp; vận động khó khăn; biến dạng chi như vẹo trong, vẹo ngoài khớp gối; gồ ghề quanh khớp hay vẹo cột sống thắt lưng…; nghe, cảm nhận tiếng lụp cụp khi bắt đầu vận động khớp…

 

Nếu chụp X-quang, sẽ thấy có gai xương ở rìa bờ xương, đặc xương dưới sụn, hẹp khe khớp, bờ xương không đều. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh đầy đủ ba chiều, gồm các thành phần dây chằng, gân cơ, xương và sụn khớp bị tổn thương. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm công thức máu và dịch khớp. Ngoài ra, tùy trường hợp còn có thể siêu âm, nội soi.

 

Nguyên tắc điều trị bệnh là giảm đau cho người bệnh, đồng thời phục hồi chức năng vận động của khớp, sức mạnh của cơ. Không có thuốc đặc trị quá trình thoái hóa khớp, chỉ có thể điều trị triệu chứng và phục hồi sự vận động của khớp bằng tổng hợp các phương pháp nội khoa, vật lý trị liệu và ngoại khoa, tùy tình trạng bệnh cụ thể.

 

Điều trị nội khoa có thể dùng thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc tăng cường dịch khớp, tái tạo sụn. Phương pháp vật lý trị liệu gồm tập thể dục, vận động vùng cột sống cổ, cột sống thắt lưng, tập yoga, đạp xe tại chỗ, tập bơi trong nước khoáng nóng, tắm bùn… với nguyên tắc không làm tăng áp lực cho khớp đã và đang bị đau; xoa bóp, nắn gân xương, bấm huyệt, châm cứu…

 

Phương pháp ngoại khoa có thể là đục xương chỉnh trục; nội soi cắt lọc mô viêm, rửa khớp, lấy sạn khớp; cấy ghép sụn; cấy ghép tế bào gốc; nếu thoái hóa khớp độ III hoặc IV thì người bệnh được chỉ định thay khớp nhân tạo hoặc hàn cứng khớp.

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh thoái hóa khớp chiếm khoảng 12%, trong đó, bệnh nhân dưới 40 tuổi khoảng 5%, từ 40-60 tuổi khoảng 30%, trên 60 tuổi khoảng 60-90%. Các vị trí thoái hóa khớp thường là: cột sống thắt lưng: 31,12%; cột sống cổ: 7%; khớp gối: 12,5%; khớp háng: 8%...

 

Theo Phụ nữ TPHCM