1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiền Việt vẫn "đổ" vào thuốc ngoại

(Dân trí) -Trung bình mỗi người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng/người/năm, nhưng hơn một nửa trong số tiền đó là dành cho thuốc ngoại.

Thông tin trên được ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết như trên tại Lễ ra mắt chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” diễn ra sáng 20/12 tại Hà Nội.

Tiền Việt vẫn đổ vào thuốc ngoại.

Ông Trương Quốc Cường đánh giá, nền công nghiệp dược nội địa đã có bước phát triển với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP. Nhiều loại thuốc Việt Nam sản xuất đạt chất lượng tương đương với thuốc ngoại, được thị trường tin dùng và xuất khẩu đi các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài cũng đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu. Tuy nhiên, số tiền chi cho thuốc nội vẫn chỉ chiếm xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường.

Trước thực trạng này, chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” ra đời, góp phần tuyên truyền quảng bá cho ngành Dược Việt Nam, đưa các sản phẩm dược sản xuất trong nước đến gần hơn với người bệnh.,

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong chiến lược phát triển ngành dược, Bộ Y tế luôn đề cao nội dung người Việt dùng thuốc Việt.  Cũng theo nữ Bộ trưởng, để đạt mục tiêu người Việt dùng thuốc Việt, tuyên truyền đến người dân và bác sĩ kê đơn là rất  quan trọng. Thuốc  Việt nào tốt thì nên dùng, nên kê đơn. Sắp tới, trong thông tư quy định về kê đơn Bộ Y tế sẽ có những nội dung điều chỉnh, tạo điều kiện để thuốc nội vào bệnh viện và được bác sĩ kê đơn.

Theo bà Tiến, để tăng cường sử dụng thuốc nội, chính sách nhập khẩu thuốc cũng cần có những thay đổi. Những thuốc tương đương sinh học, thuốc chất lượng tốt do Việt Nam sản xuất được đã lưu thông trên thị trường thì cũng cần có chính sách khi nhập khẩu những thuốc tương tự. Ngoài ra, việc quảng bá thuốc nội cũng rất quan trọng. “Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chi cho các hoạt động quảng bá thuốc lên đến 30% thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ được chi từ 5-10% nên rất khó cạnh tranh được với thuốc ngoại. Nếu mức chi quảng bá thuốc được tăng lên 15% thì thuốc nội cũng có cơ hội được tiếp thị nhiều hơn.

“Quan trọng nhất, doanh nghiệp dược không muốn thua trên sân nhà phải chú trọng đầu tư, phát triển nghiên cứu để liên tục có sản phẩm mới, hình thức, mẫu mã bắt mắt hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp chưa có nhiều đầu tư cho phát triển, nghiên cứu, công nghệ sản xuất thuốc đóng viên cũng chưa hấp dẫn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tự ý thức, trích một phần doanh thu đầu tư cho nghiên cứu sản xuất thuốc mới”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trước đây việc tuyên truyền chưa bài bản, chưa liên tục, thiếu chiều rộng, chiều sâu nên hiệu quả chưa cao, thuốc Việt chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ luôn đồng hành với Bộ Y tế, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc dùng thuốc sản xuất trong nước.

Chương trình “Con đường thuốc Việt” với mong muốn mỗi năm bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng.

Hồng Hải - Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm