Tiến sĩ chữa trầm cảm và hành trình cứu bệnh nhân điên trở lại làm người

“Bệnh ở trong đầu, trong suy nghĩ của người ta, chữa bệnh tâm thần khó lắm, phải nói là cực khó... anh phải chuẩn đoán bệnh thế nào, kết hợp thuốc ra làm sao để chữa cho người ta từ một con vật ăn phân, giết bố mẹ trở lại làm người mới khó”. TS - BS Tô Thanh Phương - Phó GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người lúc nào cũng bận bịu và say mê công việc “đối thoại” với thế giới người điên đã trần tình về nghề đầy nhiệt huyết như thế.

Được xem là , những bệnh nhân của anh thường đã thuộc dạng đặc biệt. Hoặc là rất nặng, lúc nào cũng đòi tự tử, hoặc rất lạ lùng, hiếm gặp. Nhiều ca đã được anh chữa lành một cách thần kỳ, đưa trở lại làm người bình thường trong hạnh phúc vỡ òa.

Gỡ “người cá” ra khỏi lưới

Chiếc xe 7 chỗ đưa đoàn bác sĩ Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 do TS-BS Tô Thanh Phương dẫn đầu, đỗ trước cách cửa làm bằng những thân tre xiêu vẹo của một ngôi nhà cũng xiêu vẹo. Một người phụ nữ mà chúng tôi đã biết cuống quýt chạy ra đón chào niềm nở, đó là chị Hiền, vợ anh Sơn “người cá” đang được chúng tôi cứu giúp.

Điều ngạc nhiên, khi cánh cửa mở rộng ra thì “người cá” đang đứng đó, cách chúng tôi chỉ chưa đầy 3 mét, khỏe mạnh, gật gù cười. Dù nụ cười có vẻ còn khó nhọc và giọng nói vẫn chưa thể tròn vành rõ tiếng do di chứng của bệnh để lại, nhưng anh Sơn đã không còn là “người cá” suốt ngày nằm lăn lộn, quẫy đạp ở trên giường nữa. Chị Hiền xác nhận: “Béo lên khoảng 16- 17kg đấy bác ạ, ăn bao nhiêu cũng hết, có hôm phải hãm ăn đấy, sợ béo quá lại đờ đẫn người ra, phải luyện tập tay chân đầu óc cho nó linh hoạt cái đã. Như thế là nhà em sung sướng lắm rồi, đội ơn các bác lắm ạ”.

Bà con hàng xóm đến chúc mừng chật cả sân, họ thi nhau kể chuyện anh Sơn đã biết quét nhà, nấu cơm, tưới rau, chăn bò, chăm lợn giúp vợ, để chị rảnh rang đi làm công nhân kiếm tiền. Thích nhất là anh Sơn mỗi lần đi ngang họ đã biết gật đầu chào, như 5 năm về trước khi anh chưa đổ bệnh.

Tiến sĩ chữa trầm cảm và hành trình cứu bệnh nhân điên trở lại làm người - 1

“Người cá” trước khi được cứu chữa... 

Cách đây vừa tròn 3 tháng, khi viết bài kêu gọi những người hảo tâm giúp đỡ cho gia đình “người cá” ở thôn Chu Châu, xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội, lập tức chúng tôi nhận được điện thoại của Phó Giám đốc Bệnh viện TTTƯ 1 Tô Thanh Phương báo rằng anh đã từng chữa cho một ca có biểu hiện cắn môi tóe máu, nát nhừ như thế khỏi hẳn, trở lại bình thường rồi, và nhắn có thể đưa “người cá” xuống bệnh viện để anh trực tiếp điều trị.

Ngay trong ngày hôm đó liên lạc giữa gia đình “người cá” và bác sĩ đã được kết nối. Tuy nhiên, sau đó anh Phương gọi lại cho tôi thông báo một tin buồn, trường hợp này quá nặng, không đủ điều kiện để đưa xuống viện chữa trị. Vì hiện nay “người cá” không thể đi lại được, đại tiểu tiện tại chỗ như thế sẽ không thể ở trong “môi trường” toàn người điên được. Vậy là hết cách sao? Im lặng mất một lúc, đầu dây bên kia lại tiếp “Để anh xem, có thể sắp xếp thời gian lên thăm khám một buổi, có gì sẽ thông báo sau”. Tôi thở phào, hy vọng.

Vài ngày sau, chúng tôi cùng anh vượt phà sông Hồng vào ốc đảo Minh Châu để thăm khám cho “người cá”. Lúc đó, tình trạng của “người cá” rất thê thảm. Lúc nào cũng lăn lộn vật vã, miệng chằng khăn cho khỏi cắn vào môi, máu thấm ra ướt đẫm, người chỉ còn da bọc xương và đang có biểu hiện chán ăn. Sau khi khám kỹ lưỡng, hỏi han về tiền sử của bệnh, anh kết luận “người cá” bị sang chấn tâm lý nặng, kéo dài đã 5 năm và trở thành mạn tính. Tình trạng này nếu cấp thuốc liều cao ngay thì cơ thể anh Sơn sẽ không chịu đựng được, vì thế sẽ cho liều nhẹ nhàng và theo dõi cho đến khi cơ thể của anh ấy khỏe mạnh hơn, đủ sức chịu đựng cấp độ chữa trị cao hơn. Bữa đó anh khám và tặng thuốc, rồi dặn dò kỹ lưỡng người vợ chú ý thuốc men đúng giờ và gọi điện thông báo tình hình ngày một.

Nguyên do “người cá”, 50 tuổi, mắc chứng bệnh lạ lùng như vậy là bởi 5 năm trước anh gặp một biến cố lớn, thằng con trai duy nhất đi chăn bò bị ngã sông chết đuối, khi cháu mới tròn 5 tuổi. Bệnh cứ ủ như thế cho đến khi vợ lên bàn mổ sinh tiếp thì bùng phát. Anh Sơn đã được đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, phần vì thêm điều kiện kinh tế khó khăn nên bỏ dở việc điều trị.

Sáng sớm hôm sau tôi nhận được cuộc gọi sớm của chị Hiện báo, đêm qua anh Sơn đã nằm im, không lăn lộn nữa, nghĩa là thuốc đã có tác dụng tốt. Đó là tin vui nhất buổi sáng mà tôi nhận được, vậy là “người cá” sẽ được gỡ khỏi lưới.

... và đã khỏe mạnh. 
... và đã khỏe mạnh. 

Anh Phương hằng ngày gọi điện hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc, chị Hiền báo cáo tình hình của chồng. Hai bên cứ trao đổi như thế, hết đợt thuốc, chị Hiền lại xuống bệnh viện nơi anh Phương làm việc để lấy và trực tiếp báo cáo tình hình của chồng. Hơn 2 tháng điều trị, hiện nay anh Sơn đã ngừng cắn môi, ăn được cơm và bắt đầu tỉnh táo trở lại, hỏi đáp đã có ý thức khiến chị Hiền không giấu nổi niềm vui, gọi cho chúng tôi cảm ơn rối rít và sốt sắng mời đoàn bác sĩ lên thăm để chị có dịp được tạ ơn.

Những ca đòi tự tử, ăn phân và gặp ai chém nấy

Để chữa trị cho những , ai cũng muốn xa lánh và đến pháp luật cũng phải đầu hàng như thế thật chẳng dễ dàng chút nào. TS Tô Thanh Phương cho biết, những trường hợp liên tục đòi tự tử, hay đại tiện rồi “xơi” luôn, hoặc gặp ai chém nấy, hoặc lạ lùng như “người cá” ở Minh Châu kia đòi hỏi phải chẩn đoán thật chính xác và kiên trì đến cùng cả đôi bên, bệnh nhân lẫn thầy thuốc thì mới có cơ hội... tỉnh.

Có lần anh chữa cho một ca ở Thanh Hóa, bệnh nhân là ông giám đốc của một công ty tư nhân, tài chính rủng rỉnh. Ông này bị mắc một chứng bệnh khá kỳ quặc, kéo dài đã 16 năm nay và chỉ có một triệu chứng là nhói ở sau gáy rồi lan ra mắt bên phải, nước mắt chảy giàn giụa, sau đó lan sang mắt trái và nhắm tịt luôn cả hai mắt. Có lúc một vài phút, có lúc vài chục phút, có khi cả tiếng đồng hồ không mở mắt ra được. Một ngày có thể xuất hiện một vài lượt như thế. Bao nhiêu năm ông này đi khắp từ Bắc vào Nam để chữa trị nhưng vẫn không khỏi, thậm chí nhờ đến cả ông tiến sĩ chuyên ngành thần kinh ở một viện uy tín, mỗi ngày tiêu tốn ít nhất 1 triệu đồng mà bệnh không hề thuyên giảm.

Cuối năm trước, hai vợ chồng ông giám đốc quyết định ra nước ngoài một chuyến để chữa trị, nhưng rồi không biết ai mách cho đến gặp bác sĩ Phương, thế là vợ chồng tức tốc đánh xe ra. Sau khi chẩn đoán, anh cho biết: “Ca này thật sự rất khó “chơi”, chỉ có mỗi một triệu chứng như thế.

Khi đi sâu vào triệu chứng thì thấy bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực 5 chiếm ưu thế. Biểu hiện của lưỡng cực 5 là trong tháng, trong tuần có những thay đổi về trạng thái tâm lý, tháng này có thể rất vui vẻ, nhẹ nhàng, một vài tháng sau lại trì trệ, bức bối. Vốn là một bậc thầy về cảm xúc, anh đưa ra phương án điều trị chỉ một lần khỏi ngay, ông giám đốc vô cùng sung sướng.

Một trường hợp khác ở Hà Nội bị . Chỉ vài tháng sau khi đứa trẻ chào đời thì người mẹ phát bệnh, liên tục đòi tự tử, mấy lần ôm con nhảy xuống sông Hồng, rồi lại nhảy từ gác hai của nhà xuống. Đây là ca bệnh khó đầu tiên anh gặp sau khi vừa tốt nghiệp luận án về trầm cảm. Ông chồng làm nghề đánh cá trên sông, sau khi đưa vợ vào viện, vào đúng khoa của anh và được anh chữa cho khỏi. Có bữa xách con cá đến để cảm ơn, rối rít “vợ em khỏi rồi, ngon lành lắm rồi anh ạ”. Anh cũng chữa cho nhiều ca có hành vi rất man rợ. Có trường hợp một gã khi lên cơn, lấy dao chém vợ phải đi cấp cứu. Sau đó được đưa đi Bệnh viện Bạch Mai điều trị, về gã lại đuổi chém chú ruột chạy mất dép. Không ai có thể can ngăn nổi, có bữa gã cầm cái xích sắt đập đứa con mới có 3-4 tuổi, rồi vớ cái phích định dội nước sôi thì con đã chết rồi. Ca này cũng được anh chữa trị cho ổn định, giờ thì trở lại bình thường. Lại có người cứ đi ngoài là hứng ăn luôn, hoặc thường xuyên ra tolet cạo phân ăn, rất kinh khủng. Ca này cũng được anh trực tiếp điều trị cho ổn định trở lại và báo cáo khoa học của anh đã làm về ca đó.

Trầm cảm cũng có ba bảy đường trị

“Trầm cảm có rất nhiều dạng, đau đầu mất ngủ cũng là trầm cảm, trầm cảm thực vật thì đau ốm lung tung, nay đau chỗ này mai đau chỗ khác, tự nhiên bồn chồn đứng ngồi không yên. Dạng trầm cảm khó chữa nhất là dạng trầm cảm ám ảnh. Ví dụ như sợ bẩn, có bệnh nhân tắm rửa, kỳ cọ suốt ngày, nhiều đến mức gần như lột hết da. Có những bệnh nhân lại ngồi ngọ ngoạy liên tục. Đặc biệt những bệnh liên quan đến trầm cảm ám ảnh rất khó chữa” TS. Phương chia sẻ.

Để chữa được trầm cảm cần phải rất tỉ mỉ và kiên trì. Chữa cho ổn định không quá khó nhưng chữa khỏi là cả một vấn đề, bác sĩ phải trực tiếp theo dõi cả một quá trình, có khi tới một vài năm theo phác đồ điều trị. “Bác sĩ trầm cảm phải thật chịu khó, còn nếu sợ khó, sợ bẩn, sợ bệnh nhân đánh thì sẽ không làm được tâm thần đâu. Nếu như bác sĩ cứ ngồi ở trên, lướt lướt xem có ăn được không, ngủ được không, ỉa được không, xong rồi lên cấp mấy viên thuốc thì muôn đời sẽ không chữa được bệnh. Phải sâu sát người ta, để chữa người ta từ một con vật ăn phân, giết bố, giết mẹ trở lại thành con người, cái đấy mới khó” TS. Tô Thanh Phương nhấn mạnh.

Năm 2005, anh bắt đầu thành công bằng cách kết hợp hai loại thuốc, an thần kinh với trầm cảm, điều trị tất cả các loại trầm cảm có kết quả rất tốt. Sau khi đi Pháp về, anh tiếp tục tìm ra được công thức điều trị ảo thanh và ảo thanh kéo dài, một dạng bệnh khá nguy hiểm, người bệnh lúc nào cũng có tiếng nói trong đầu, xui giết người, xui tự tử, tự sát.

Tất cả các tài liệu của quốc tế tại thời điểm này chỉ ghi nhận, điều trị chống trầm cảm bằng thuốc chống trầm cảm đơn thuần. Còn luận án của anh ra đời đã phân tách ra thuốc chống trầm cảm trung bình, trầm cảm nặng, nhẹ, chống loạn thần và không loạn thần. Sau đó anh kết hợp thuốc an thần kinh với chống trầm cảm thì cuối cùng việc điều trị trầm cảm cực kỳ hiệu quả. Vậy nên anh trở thành người đầu tiên đột phá trong lĩnh vực trầm cảm, không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới là thế.

Trầm cảm hiện nay vẫn là “mảnh đất” mới trong điều trị tâm thần. Dù đang giữ vị trí lãnh đạo của Bệnh viện TTTƯ 1 nhưng hằng ngày TS - BS Cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú Tô Thanh Phương vẫn miệt mài làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với từng người bệnh một cách nhẫn nại, dịu dàng. Bằng những đóng góp rất giá trị cho ngành, tháng 10.2014 anh đã vinh dự được ghi danh Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và tháng 8.2015 anh đón nhận Cúp Thánh Gióng trong lễ tôn vinh Nhân tài đất Việt do Nhà nước trao tặng. Quan trọng hơn, những đóng góp đó đem lại nhiều hy vọng cho bao gia đình có bệnh nhân tâm thần đang rất thảm thương của chúng ta hiện nay.

Theo Tâm Lê

Lao động