Thường xuyên nhậu vì công việc, chàng trai 28 tuổi mất vì ung thư dạ dày

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại nước ta tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Người trẻ không được chủ quan với ung thư dạ dày

Sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 25, giống như nhiều sinh viên khác, Xiao Yi (người Trung Quốc) chọn ở lại thành phố để phát triển. Công việc của Yi là làm nhân viên kinh doanh tại một công ty lớn.

Yêu cầu công việc cao khiến Yi thường xuyên phải làm việc đến 10 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, thời gian ăn uống cũng không cố định, và anh thường chỉ ăn vội ở ngoài hàng quán.

Thường xuyên nhậu vì công việc, chàng trai 28 tuổi mất vì ung thư dạ dày - 1

Vì tính chất công việc, Yi thường xuyên phải uống rượu với khách hàng. Sau một thời gian duy trì thói quen này, bụng Yi bắt đầu xuất hiện những cơn đau về đêm và gần sáng khiến anh mất ngủ. Vì gặp gỡ khách hàng trên bàn tiệc, khiến công việc của Yi trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, nên anh cũng làm ngơ trước vấn đề của mình.

Tuy nhiên, khi tình trạng đau dạ dày đã tiến triển đến mức Yi không còn có thể chủ quan, anh buộc phải vào bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ đề nghị Yi thực hiện nội soi dạ dày. Nhưng nghĩ rằng bệnh của mình chưa nặng đến mức như vậy, Yi chỉ xin bác sĩ kê cho các loại thuốc uống chữa đau dạ dày thông thường.

Đợt thuốc này khiến tình trạng đau của Yi gần như hết hẳn, anh còn cho rằng, bác sĩ đã nghiêm trọng hóa vấn đề, để tìm cách kiếm thêm tiền. Tuy nhiên, không lâu sau, sau vài lần say rượu, Yi lại đau bụng. Vì quá bận rộn nên anh không vào bệnh viện mà đến quầy thuốc để mua đúng loại bác sĩ đã kê trước đó. Thói quen này cứ lặp đi lặp lại, hiệu quả của thuốc giảm dần, cho đến một ngày Yi đau đớn ngất đi trên bàn tiệc.

Thường xuyên nhậu vì công việc, chàng trai 28 tuổi mất vì ung thư dạ dày - 2

Tại bệnh viện, kết quả nội soi dạ dày và chụp CT cho thấy, Yi mắc ung thư dạ dày. Tồi tệ hơn, khối u đã di căn vào gan nên việc điều trị không còn nhiều ý nghĩa.

Việc phát hiện ung thư giai đoạn cuối khiến Yi và cả gia đình suy sụp. Cũng chỉ 3 năm sau, Yi qua đời khi chỉ vừa 28 tuổi.

Từ trường hợp của Yi, bác sĩ điều trị cảnh báo rằng, ung thư dạ dày và nói rộng ra là ung thư, không chỉ là căn bệnh của người già. Bản thân giới trẻ cũng cần quan tâm tới sức khỏe của mình.

“Trong trường hợp của Yi, ung thư dạ dày không đến bất thình thình. Trên thực tế, trước đó cậu thanh niên này đã phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo của bệnh như: đầy bụng, đau dạ dày, buồn nôn, đi ngoài phân đen. Nếu chủ động thăm khám thời điểm đó và phát hiện bệnh sớm thì tiên lượng rất tốt”, bác sĩ này nhấn mạnh.

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc ung thư. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng sau có nguy cơ cao hơn và cần phải đặc biệt chú ý:

- Hút thuốc lá: Hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

- Nam giới tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỷ lệ cao khoảng gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.

Thường xuyên nhậu vì công việc, chàng trai 28 tuổi mất vì ung thư dạ dày - 3

- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên...: Những người có thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn: thịt hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

- Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa: Ung thư dạ dày thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử từng phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).

- Di truyền: Nếu trong gia đình có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ mắc ung thư sẽ có tỷ lệ cao hơn.

- Một số bệnh lý khác: Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP), mắc hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

Chế độ ăn cho bệnh nhân mắc ung thư dạ dày

- Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 - 8 bữa/ngày, thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường. Cùng với đó, người bệnh cần chú ý nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. 

- Nên ăn thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, phomai,… không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho sức khỏe người bệnh mau chóng phục hồi, mà còn làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy.

Thường xuyên nhậu vì công việc, chàng trai 28 tuổi mất vì ung thư dạ dày - 4

- Sử dụng trái cây và rau xanh, nhưng lưu ý với các loại rau xanh thì nên ăn chín, trái cây nên gọt vỏ và bỏ hạt trước khi ăn. Trong số các loại trái cây, chuối và dưa hấu được cho là 2 loại quả tốt nhất cho người bệnh trong trường hợp này. Chính vì thế, người bệnh cần lưu ý để bổ sung sao cho có hiệu quả nhất.

- Chọn loại sữa gầy (sữa đã tách béo hoàn toàn) cho chế độ ăn uống hàng ngày.

- Ngoài các loại thực phẩm nêu trên, người bệnh có thể cần uống bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin B1, B12 và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

- Cần lưu ý hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối hay các loại gia vị cay nóng, hoa quả chua, các loại chất kích thích và đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho việc phục hồi.