Thường xuyên khử mùi "viêm cánh" đối diện với nguy cơ ung thư vú?
Nếu bạn lo ngại về muối nhôm trong lăn nách chống mồ hôi, bạn có thể sử dụng các sản phẩm lăn khử mùi có ghi "aluminum-free" (không chứa muối nhôm).
Tại sao muối nhôm lại có trong lăn khử mùi?
Muối nhôm là một nhóm thành phần phổ biến trong các sản phẩm lăn khử mùi (lăn nách). Các loại muối nhôm thường được sử dụng bao gồm alunimum chloride, aluminium chlorohydrate và các phức hợp aluminium zirconium chlorohydrate. Những chất này đôi khi được ghi trên danh sách thành phần là "muối khoáng thiên nhiên" (natural mineral salts), "muối đá thiên nhiên" (natural rock salts), hoặc "potassium alum" (potassium aluminum sulfate).
Các hợp chất nhôm trên hoạt động bằng cách bịt các ống dẫn mồ hôi ở dưới cánh tay, không cho mồ hôi thoát lên bề mặt da. Kết quả là độ ẩm ở vùng nách giảm, gây ức chế cho hoạt động sinh sôi của vi khuẩn gây mùi. Những sản phẩm lăn nách chứa các hợp chất nhôm được xếp vào nhóm lăn nách chống mồ hôi (antiperspirant), là một nhánh của lăn khử mùi (deodorant).
(Lăn khử mùi được chia làm hai nhánh: lăn khử mùi chống mồ hôi và lăn khử mùi không chống mồ hôi. Nhánh lăn khử mùi không chống mồ hôi thường chứa hương liệu để át mùi cơ thể và các thành phần kháng khuẩn để ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi).
Khả năng hấp thụ của muối nhôm qua da
Nhôm đã được chứng minh là có thể hấp thụ vào da qua việc sử dụng lăn khử mùi . Sử dụng lăn khử mùi chứa muối nhôm sau khi lăn nách còn khiến muối nhôm hấp thụ nhiều gấp 6 lần. Liên minh Châu Âu có đưa ra chỉ thị khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng lăn nách chống mồ hôi khi da bị tổn thương, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn thường xuyên sử dụng loại lăn nách này sau khi cạo.
Vì hình thức sử dụng là bôi lưu (thoa lên nách và ngực trên và lưu trong thời gian kéo dài, không rửa ngay), nên khi sử dụng sản phẩm chống mồ hôi với thành phần muối nhôm, các hợp chất muối nhôm sẽ tiếp tục thấm qua da sau khi hành động lăn nách chấm dứt. Nách và ngực trên là nơi phần lớn các bệnh ung thư vú bắt đầu. Ở Anh, hơn 50% số ca ung thư vú bắt đầu từ góc phần tư phía trên của vú gần nách.
Các hợp phức nhôm đã được tìm thấy trong một số cấu trúc vú của người, bao gồm mô vú, u nang vú. Lượng nhôm trong những khu vực này cao hơn nồng độ của nhôm trong máu. Từ đây, các nhà khoa học nghi ngờ rằng lượng nhôm này có thể bắt nguồn từ các sản phẩm lăn nách chống mồ hôi.
Muối nhôm trong sản phẩm khử mùi gây ung thư vú?
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối quan hệ trực tiếp giữa ung thư vú và nhôm, nhưng các ý kiến gần đây đã đặt nghi vấn về sự an toàn của muối nhôm trong lăn nách.
Các nghiên cứu nuôi cấy tế bào cho thấy tế bào biểu mô vú người có thể chuyển thành một dạng ung thư sau khi tiếp xúc với alunimum chloride, còn tế bào ung thư vú người sẽ trở nên linh hoạt hơn khi tiếp xúc với aluminum chloride và aluminum chlorohydrate. (Tử vong do ung thư vú chủ yếu do sự lan rộng của khối u, phụ thuộc vào độ linh hoạt của tế bào ung thư - tính linh hoạt càng cao thì nguy cơ lan rộng càng lớn).
Phơi nhiễm trọn đời với oestrogen được chứng minh là yếu tố gây ung thư vú. Aluminum chloride và aluminum chlorohydrate đã được chứng minh là có hoạt động tương tự oestrogen, và trong một số điều kiện, có thể kích thích phản ứng của cơ thể tương tự như cách phản ứng với oestrogen tự nhiên.
Một bản đánh giá với mục đích đo đạc nguy cơ của lăn nách/lăn nách chống mồ hôi đối với bệnh ung thư vú đã kết luận: tuy rằng hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của muối nhôm đến ung thư vú, nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định rằng muối nhôm không hề liên quan đến ung thư vú. Có một nghiên cứu khác (thống kê các ca ung thư vú và thói quen sử dụng lăn nách) cũng được công bố vào năm 2017, chỉ ra rằng có mối quan hệ giữa hành vi sử dụng lăn nách lâu dài với bệnh này.
Nhận định của Liên minh Châu Âu về muối nhôm trong lăn nách
Vào năm 2014, Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng (SCCS) của Liên minh Châu Âu đã tiến hành đánh giá nhôm trong lăn nách chống mồ hôi và nhận thấy: Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, đánh giá này cũng thừa nhận có những lỗ hổng đáng kể trong dữ liệu khoa học khiến cho việc đánh giá này có những rủi ro.
Một số cơ quan Châu Âu khác (chẳng hạn Ủy ban Khoa học Thực phẩm và Môi trường Na Uy), sau khi tiến hành các đánh giá rủi ro, thì cho rằng muối nhôm trong mỹ phẩm không an toàn. Những lo ngại về mối liên hệ có thể có giữa lăn nách chứa muối nhôm và ung thư vú đã khiến Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ xem xét để đưa ra lệnh cấm muối nhôm trong lăn nách, hoặc ít nhất là bắt buộc dán nhãn cảnh báo với các sản phẩm lăn nách chứa muối nhôm.
Như vậy, cho đến nay, các bằng chứng chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa muối nhôm trong lăn nách với ung thư vú đều chưa rõ ràng. Tuy vậy, có những nghiên cứu cho thấy rõ ràng cần cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm lăn nách chứa muối nhôm.