Thường xuyên bị cúm, viêm phổi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư

(Dân trí) - Ung thư có thể phát triển trên nền phản ứng viêm, được kích hoạt bởi hiện tượng nhiễm trùng, rối loạn hệ thống miễn dịch, các hội chứng bệnh lý mạn tính hay phơi nhiễm với các hóa chất độc hại.

Đáp ứng miễn dịch không kiểm soát của cơ thể dù được cho là một nhân tố đóng góp vào sự phát triển của khối u, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu nữa để làm rõ mối liên quan giữa đáp ứng miễn dịch tiền ung thư, nhiễm trùng và sự phát triển của ung thư. Dựa vào đó, chúng ta có thể phát triển các phương pháp để phát hiện hay phòng ngừa sớm ung thư.

Thường xuyên bị cúm, viêm phổi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư - 1

Nhiều nghiên cứu cho rằng, sự tăng lên về tần suất hiện tượng nhiễm trùng có thể là dấu hiệu cho sự phát triển của các loại ung thư không hình thành khối u rắn, điển hình như ung thư hạch bạch huyết, bệnh bạch cầu, đa u tủy xương. Tuy nhiên, lại có ít bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa hiện tượng viêm và sự phát triển ung thư thể rắn.

Trong nghiên cứu mới đây, TS Shinako Inaida và cộng sự đã làm sáng tỏ vấn đề này, thông qua theo dõi bệnh án của những người từ 30 tuổi trở lên, không bị suy giảm miễn dịch, trong giai đoạn 2005-2012.

Những trường hợp được phân tích bao gồm 2 nhóm:

- Nhóm 1: 2.354 người (1843 đàn ông và 511 phụ nữ) được chẩn đoán mắc ung thư trong giai đoạn 7/2010 – 6/2011. Loại ung thư phổ biến nhất được ghi nhận trong nhóm này là ung thư dạ dày, ung thư vùng đầu cổ, ung thư đường tiêu hóa.

- Nhóm 2 (nhóm đối chứng): 48.395 người (37.779 đàn ông và 10.616 phụ nữ) trong suốt giai đoạn 1/2005 – 12/2012 không hề mắc ung thư.

Trên mỗi nhóm này, các nhà khoa học sẽ ghi nhận lại số lần mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng như: cúm mùa, viêm phổi, viêm gan, viêm dạ dày.

Thường xuyên bị cúm, viêm phổi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư - 2

Qua phân tích, nhóm tác giả phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian 6 năm trước khi được chẩn đoán mắc ung thư, những người ở nhóm 1 có tần suất nhiễm trùng cao hơn hẳn so với cùng chu kì 6 năm ở nhóm 2. Trong đó, tần suất cao nhất rơi vào năm trước khi được chẩn đoán mắc ung thư. Cụ thể, trong thời gian này, tần suất nhiễm trùng ở nhóm 1 cao hơn nhóm 2 lần lượt là: 18% với bệnh cúm mùa, 46,1% với bệnh viêm dạ dày, 232,1% với viêm gan và 135,9% với viêm phổi.

Đối với từng cá nhân, sau khi hiệu chỉnh các thông số, kết quả chỉ ra rằng, những người ở nhóm 1, trong năm đầu tiên, có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn 16% so với nhóm 2. Kết quả này lên tới 55% ở năm thứ 6.

Thường xuyên bị cúm, viêm phổi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư - 3

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra mối liên quan của mỗi loại bệnh nhiễm trùng với sự phát triển của từng loại ung thư. Ví dụ, những người thường mắc bệnh cúm sẽ có khả năng phát triển ung thư tế bào mầm tinh hoàn cao nhất; người thường bị viêm phổi có khả năng cao phát triển ung thư máu, ung thư xương hoặc ung thư tủy xương. “Điều thú vị là chúng tôi phát hiện ra rằng, bệnh nhiễm trùng tấn công vào 1 cơ quan nhất định lại không có mối liên quan rõ rệt với rủi ro phát triển ung thư trên cơ quan đó” – TS Inaida chia sẻ.

Nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng, hạn chế của nghiên cứu này là thiếu thông tin về môi trường sống, lối sống, các hội chứng bệnh lý, đặc điểm di truyền của những người được nghiên cứu, vốn đều là những nhân tố đóng góp vào khả năng phát triển ung thư.

Minh Nhật

Theo Medical Xpress