1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc Y học Cổ truyền đang ngày càng lép vế trước tân dược

(Dân trí) - Nhiều năm qua tỷ lệ thuốc, chế phẩm, vị thuốc Y học Cổ truyền ngày càng giảm trong tổng số chi thuốc trên cán cân thuốc y học cổ truyền và tân dược. Những hạn chế trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đang gây khó khăn cho sự phát triển của Y học Cổ truyền.

Thuốc Y học Cổ truyền đang ngày càng lép vế trước tân dược - 1

Thuốc y học cổ truyền đang ngày càng sụt giảm trong cán cân với tân dược

Đó là nội dung được ThS.DS Vũ Nữ Anh, chuyên viên Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) chỉ ra trong hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá, kinh nghiệm quốc tế về mối liên hệ giữa y học cổ truyền và chính sách chi trả bảo hiểm y tế (tổ chức tại TPHCM ngày 17/7). Theo đó, trên phạm vị cả nước, so với tân dược, trong 3 năm trở lại đây Y học Cổ truyền liên tục sụt giảm. Tỷ lệ thuốc, chế phẩm, vị thuốc Y học Cổ truyền chiếm trong tổng chi thuốc năm 2016 gần 29 nghìn tỷ đồng đạt 22,4%; năm 2017, tổng chi thuốc hơn 35 nghìn tỷ đồng thì Y học Cổ truyền chiếm 20,2%. Năm 2018, tổng chi thuốc hơn 39 nghìn tỷ đồng thì Y học Cổ truyền chỉ đạt 17,8%.

Các nghiên cứu chỉ ra, ngoài những yếu tố tự thân của nền Y học Cổ truyền, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với thuốc cổ truyền gặp nhiều khó khăn trong chi trả bảo hiểm y tế liên quan đến danh mục thuốc, danh mục vị thuốc và cả nội dung hướng dẫn thanh toán. Những ký tự đặc biệt như “thay thế” hoặc “gia giảm” hay tên gọi theo vùng miền của các loại thuốc đang gây nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế đòi hỏi phải bổ sung thêm những thông tư hướng dẫn bổ sung trong thời gian tới.

Thuốc Y học Cổ truyền đang ngày càng lép vế trước tân dược - 2

PGS Vũ Văn Truyền cho rằng cần có những thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của Y học Cổ truyền

Đề cập đến vấn đề trên PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về Dược học cho rằng: nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… rất chú trọng sử dụng thuốc y học cổ truyền trong chiến lược chăm lo sức khỏe người dân thông qua hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chính sách sử dụng thuốc y học cổ truyền tại các quốc gia trên thể hiện rõ thông qua sự dồi dào về cả chất lẫn lượng thuốc, vị thuốc, dược liệu YHCT trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, toàn bộ các dịch vụ YHCT như châm cứu, ấn huyệt, xoa bóp… đều được đưa vào danh mục thanh toán đã tạo sức hút cho người bệnh.

Bảo hiểm y tế đối với y học cổ truyền đã được các quốc gia trên áp dụng từ thập niên 10 và 80 của thế kỷ trước, cán cân giữa thuốc y học cổ truyền và tân dược ở thế cân đối đang thúc đẩy sự phát triển của y học cổ truyền. Đối với Việt Nam, mối liên hệ giữa YHCT và chính sách chi trả bảo hiểm y tế bắt đầu từ năm 2005 với 210 vị thuốc và 91 chế phẩm được bảo hiểm y tế thanh toán. Hiện Bộ Y tế đã nỗ lực đưa 349 vị thuốc và 229 chế phẩm y học cổ truyền vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

Thuốc Y học Cổ truyền đang ngày càng lép vế trước tân dược - 3

Y học Cổ truyền cần thay đổi mang tính đột phá đề thu hút người bệnh

Để tạo thuận lợi cho người bệnh, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới ngoài việc tạo thuận lợi trong thanh toán bảo hiểm y tế, việc sản xuất, bào chế cần hướng đến sự tiện ích của y học cổ truyền phù hợp với môi trường sống hiện đại. Trước mắt cần đẩy mạnh sản xuất các chế phẩm cốm đơn vị thuốc, loại chế phẩm y học cổ truyền có ứng dụng khoa học hiện đại trong quá trình chiết xuất, cô đặc, tạo cốm, đóng gói thay cho thuốc phiến, thuốc thang để hạn chế các công đoạn trong việc điều trị.

Vân Sơn