Thuốc trị mụn gây loét thực quản

“Sẵn dịp đến bệnh viện chữa lang ben, tôi nhờ bác sĩ cho thuốc uống trị những đốm mụn trên mặt. Chỉ sau 5 ngày dùng thuốc, tôi đã bị nổi hạch, cổ họng đau và nóng rát vùng trước ngực...” (N.T.T.Trinh - 19 tuổi). Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, cô được chẩn đoán là loét thực quản. Hai vết loét rộng trên kết quả nội soi khiến bệnh nhân tá hỏa.

Cùng cảnh ngộ với T.Trinh, bạn gái pikachu@... Cũng gửi email tâm sự: “Thấy những đứa bạn chung phòng dùng thuốc trị mụn do bác sĩ chỉ định hẳn hoi, tôi cũng mua cùng loại thuốc, nhưng dùng được 3 ngày thì bắt đầu đau bụng và nôn ra máu...”.

 

Hung thủ kháng sinh

 

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ, cho biết đây là tình trạng thường gặp khi bệnh nhân dùng thuốc trị mụn. Thủ phạm gây ra hiện tượng này, chủ yếu là Doxycyclin, Minocyclin, Tetracyclin, Clindamycin... thường có trong thuốc trị mụn, thuốc điều trị phụ khoa... Đây là những chất có tác dụng loại trừ những vi khuẩn có trong mụn mủ nhưng tính chất hóa học của thuốc lại là điều kiện để sinh loét thực quản. Kích thước của thuốc, vỏ bọc thuốc, thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc thực quản, lượng nước và tư thế khi uống thuốc cũng góp phần gây nên hiện tượng này. Ngoài ra, trường hợp bệnh lý như co thắt, chít hẹp... thực quản cũng dẫn đến tình trạng trên.

 

Điều đáng ngại nhất, những vết loét nếu không kịp thời chữa trị có thể gây nên thủng thực quản, thức ăn và dịch tiêu hóa sẽ tràn vào trung thất, rất khó điều trị. Tỉ lệ tử vong trong trường hợp này rất cao.

 

Ngưng thuốc ngay khi thấy bất ổn

 

Nếu phát hiện sớm, loét thực quản do thuốc có thể dễ dàng điều trị. Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh khuyến cáo: “Khi thấy những dấu hiệu như nuốt khó, đau nhói trước ngực, nôn, đau vùng thượng vị, trào ngược... bệnh nhân phải ngưng dùng thuốc, đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dùng thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Lanzoprazol, Pantoprazol..., thuốc băng dạ dày Phosphalugel và thuốc chống trào ngược Primeperan - Motilium sau một tuần, bệnh sẽ giảm. Thông thường, nếu điều trị đúng cách trong vòng 20 ngày, đến một tháng bệnh sẽ lành hẳn.

 

Nhu cầu trị mụn để có một gương mặt hoàn hảo là có thật. Tuy nhiên, điều trị đúng cách là biện pháp tối quan trọng. Để tránh những tác dụng không mong muốn từ việc trị mụn, các bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân nên lựa chọn nhóm kháng sinh khác vừa có tác dụng điều trị mụn, vừa không ảnh hưởng đến thực quản.

 

Theo Thanh Phương

Người lao động