1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc kháng sinh đã có trên thị trường có thể điều trị virus corona?

(Dân trí) - Các nhà khoa học tin rằng thuốc kháng sinh đang có sẵn trên thị trường có thể là chìa khóa để điều trị virus corona.

Thuốc kháng sinh đã có trên thị trường có thể điều trị virus corona? - 1

Các nhà nghiên cứu cho biết 31 thuốc kháng virus và kháng sinh có thể giúp điều trị virus corona. Màu xám cho thấy hoạt động chống virus chưa được nghiên cứu hoặc báo cáo.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy tuyên bố các thuốc chống virut cũng như bốn loại kháng sinh điều trị tụ cầu và nhiễm trùng da đã có thể ngăn chặn virus trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Do đó, họ tin rằng các thuốc này có thể là phương pháp điều trị đầu bảng cho căn bệnh dễ lây lan.

Tuy nhiên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng kháng sinh không có tác dụng chống lại virus và việc kê đơn và lạm dụng chúng quá mức sẽ thúc đẩy vi khuẩn kháng thuốc.

Tái định vị thuốc được định nghĩa là khi các bác sĩ sử dụng các loại thuốc được phê chuẩn cho một bệnh này để điều trị một bệnh khác.

Ví dụ, Viagra – thuốc điều trị rối loạn cương dương - đã được tái định vị hai lần. Đầu tiên nó được phê chuẩn để điều trị huyết áp cao và sau đó là để điều trị đau thắt ngực, một loại đau ngực do giảm lưu lượng máu đến tim.

Và dextroamphetamine, được kê đơn cho rối loạn tăng động giảm chú ý, đã được sử dụng trong điều trị sa sút trí tuệ.

"Tái định vị thuốc là chiến lược tạo ra giá trị gia tăng từ một loại thuốc hiện có bằng cách nhắm vào các bệnh khác với mục đích ban đầu", TS Denis Kainov, tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết.

“Ví dụ, teicoplanin, oritavancin, dalbavancin và monensin là những kháng sinh đã được chứng minh là có tác dụng ức chế corona- và các loại virus khác trong phòng thí nghiệm.'

Phần lớn các loại thuốc mà nhóm nghiên cứu gợi ý tái định vị là thuốc chống virus, là những thuốc làm giảm khả năng nhân lên của virus.

Chúng bao gồm nitazaxonide, một loại thuốc chống ký sinh trùng; axit mycophenolic, được sử dụng để ngăn ngừa thải tạng ghép; và remdesivir, ban đầu được quan niệm là thuốc chống Ebola.

Một trong những lợi thế của việc tái định vị một thuốc thay vì phát triển một thuốc mới là tất cả các chi tiết xung quanh việc phát triển thuốc đã được biết rõ. Điều này giúp tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian.

Các nhà nghiên cứu cho biết đã tìm thấy 120 thuốc đã được chứng minh là an toàn cho người.

Trong số đó, họ xác định 31 thuốc là ứng cử viên tốt nhất có thể để phòng ngừa và điều trị virus corona.

Ít nhất bốn trong số 31 thuốc - teicoplanin, oritavancin, dalbavancin và monensin - được thiết kế để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, các tổ chức y tế lớn bao gồm CDC và WHO đã cố gắng thông báo và nhắc nhở các bác sĩ và công chúng rằng kháng sinh không có khả năng tiêu diệt virus như virus gây ra COVID-19.

“Kháng sinh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị virus corona mới không? Không, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus, mà chỉ chống lại vi khuẩn”, trang web của WHO nêu rõ.

Virus có cấu trúc và cơ chế nhân lên khác với vi khuẩn, nghĩa là viêm phổi do vi khuẩn sẽ không nhân lên trong cơ thể giống như bệnh cúm.

Thuốc kháng sinh nhắm vào bộ máy tăng trưởng ở vi khuẩn để ngăn chặn chúng sinh sôi.

Virus không có bộ máy bên trong này, vì vậy, vũ khí này, tất nhiên, sẽ không hoạt động trên chúng.

Các chuyên gia y tế cho biết, uống thuốc kháng sinh khi bạn bị nhiễm virus có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi, thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh và tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

“Nếu bạn dùng thuốc kháng sinh khi thực ra là bị nhiễm virus, kháng sinh tấn công vi khuẩn trong cơ thể - vi khuẩn có lợi hoặc ít nhất là không gây bệnh”, Mayo Clinic tuyên bố trên trang web của mình.

“Điều trị sai lầm này sau đó có thể thúc đẩy các đặc tính kháng kháng sinh ở vi khuẩn vô hại có thể chia sẻ với các vi khuẩn khác hoặc tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại thay thế các vi khuẩn vô hại”.

Cẩm Tú

Theo DM