Thuốc đông y: Còn lắm nỗi lo!

(Dân trí) - Đông dược đa phần là từ nguồn gốc tự nhiên. Do đó, nhiều người quan niệm đông dược dễ được dung nạp, rất ít hoặc không có tác hại. Nhưng với những minh chứng hóa dược học, đông dược cũng có đầy đủ thuộc tính của thuốc điều trị, nghĩa là cũng có các loại quân, thần, tá, sứ và cũng có các tác dụng chính, phụ, độc hại, không mong muốn…. Hơn nữa, nguồn dược liệu, cách bảo quản…cũng đang có lắm vấn đề.

Thuốc đông y: Còn lắm nỗi lo! - 1

Thuốc Đông y có nguồn dược liệu tự nhiên

Trong khi đa số các loại thuốc Tây, đặc biệt kháng sinh, là những hợp chất được bào chế trong phòng thí nghiệm hãn hữu mới chiết xất từ dược liệu tự nhiên, thì Đông dược lại hoàn toàn sử dụng dẫn chất, chiết xuất từ cây, con, hóa chất tự nhiên.

Với nguồn dược liệu thiên nhiên như thế, khi dùng thuốc Đông y cần lưu ý hai vấn đề lớn là độc tính của các hóa chất có trong dược liệu và vệ sinh an toàn của nguồn dược liệu sử dụng để bào chế thuốc.

Về độc tính và liều lượng, chúng ta dễ dàng tra cứu sách vở y khoa hoặc trên internet. Nhưng về an toàn của nguồn dược liệu Đông y thì quá rộng và chưa được quản lý chặt chẽ.

Những cảnh báo khi dùng đông dược

* Dược liệu giả, thiếu phẩm chất và “bẩn”

Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế: “Mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó 80% dược liệu là nhập khẩu, trong đó chỉ có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu là có nguồn gốc, xuất xứ”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung Ương, cho biết, trong năm 2015, Viện phối hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc, qua 109 mẫu kiểm nghiệm có đến 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu giả, chiếm đến 51%.

Theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Quân y 108, tình trạng dược liệu bị nhầm lẫn và làm giả, không đúng với tên của nó trong dược điển khá phổ biến: Hoài sơn là rễ cây củ mài, nhưng hiện nay làm giả bằng củ mỡ, củ cọc; cao xương các loại động vật như trâu, bò, lợn được giả là cao hổ cốt; Túi mật của các động vật như lợn, trâu, bò, dê hoặc từ bàng quang hay ruột động vật buộc thành túi, bên trong có chứa cao thực vật giả danh là mật gấu khô được làm giả bằng.

Vì có nguồn gốc tự nhiên, các dược liệu thuốc đông y sau khi thu hoạch thường phải được bảo quản tránh hư hao, mốc ẩm, sâu bọ… và đây là khâu khiến dược liệu rất dễ nhiểm bẩn, nhiễm độc nhất. Ngoài hư hao, giảm phẩm chất do bảo quản kém, bản thân việc dùng nhiều loại hóa chất có hại vô tội vạ để bảo quản như lưu huỳnh, hàn the, thuốc trừ sâu, thuốc diệt kiến mối…cũng gây ra nhiễm độc dược thảo đáng kể.

* Thuốc bắc pha trộn thuốc tây

Cũng vì đông dược thường có tác dụng chậm, nên nhiều loại thuốc Đông y bị pha trộn thêm tân dược, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau, chống viêm và corticoid, thậm chí bọn bất lương còn trộn cả các chất liệu dược phẩm không được sử dụng cho người.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung Ương, cơ quan của ông đã phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.

“Các đông dược thường được pha trộn tân dược là thuốc giảm đau, thuốc chữa viêm thoái khớp, thuốc ho, thuốc tễ cho trẻ em…như dùng paracetamol pha trong thuốc cảm sốt; corticoid trộn trong thuốc khớp, hen, ăn uống kém; glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đái tháo đường; sidenafil trộn vào đông dược bổ dương, tăng cường sinh lực cho nam giới”.

Việc pha trộn thuốc tây vào thuốc bắc này trước mắt sẽ dẫn đến sự tương tác thuốc rất khó xử lý vì không biết do dược chất nào và về lâu về dài sẽ gây hại khôn lường cho sức khỏe bệnh nhân.

* Thuốc bắc có độc tính, tác hại

Hiện nay, còn khá nhiều vị thuốc Đông y có những tác dụng phụ độc nhưng vẫn thỉnh thoảng được sử dụng:

+ Chu sa, khoáng sản tên là cinnabarit, có chứa sunfua thuỷ ngân thiên nhiên. Dù chu sa không được sử dụng trong Tây y, một số Đông y sĩ đôi khi vẫn dùng chu sa để chữa mất ngủ, động kinh, co giật, mê sảng, trẻ con quấy khóc đêm (khóc dạ đề)..... Vì chứa thủy ngân, chu sa có độc tính rất cao lên thần kinh và thận: rất nhiều bệnh nhân bị suy thận, rối loạn vận động vì dùng thuốc này.

+ Thuốc cam có chứa chì, Đông y ngày trước dùng để chữa bệnh cam tẩu mã (viêm loét miệng) bằng cách bôi trực tiếp lên các vết loét. Do không hiểu biết, một số người bôi thuốc cam để chữa bệnh tay - chân - miệng và gây nên nhiều vụ ngộ độc chì, có vụ đã tử vong.

+ Cây phụ tử hay cây ô đầu với chất độc aconite được sử dụng phối hợp với một số vị thuốc khác (thiên nam tinh, bán hạ, phòng phong, xuyên khung, bạch chỉ v.v) trong Đông y để chống co thắt, giảm đau, chống co giật, liệt mặt, chống sung huyết, đau nửa đầu.

+ Một dược thảo nổi tiếng vì gây ra “bệnh thận Trung Quốc” là cây thảo dược Aristolochia. Rễ nhóm cây này chứa hoạt chất là acid aristolocholic và isoaristolochic, được dùng để làm thuốc bổ, kích thích, điều kinh, gây nôn…Vào năm 1991-1992, có đến 70 phụ nữ là bệnh nhân tại một clinic Bỉ đã bị xơ thận kẽ và suy thận giai đoạn cuối do dùng thảo dược này.

+ Ngay nhiều thuốc thông thường nếu dùng sai liều lượng, liệu trình….cũng có thể gây độc cho người bệnh như các loại thuốc tây.

Đôi điều bàn luận

Đã là thuốc điều trị, tây hay đông, đều được phân thành 4 nhóm quân, thần, tá, sứ, theo chức năng, vai trò. Khi sử dụng thuốc bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình 5 “đúng”: căn bệnh, dạng thuốc, liều lượng, liệu trình và cách đường dùng. Ngay cả thực phẩm chức năng, trung gian giữa thuốc và thức ăn, khi ra thị trường cũng có nhẵn mác, liều lượng.

Dược chất trong thuốc là chất lạ, ngoại lai nên cũng có thể không dung nạp và dị ứng. Do đó, đừng nghĩ đông dược là “thuốc từ cây trái” nên an toàn, vô hại.

Hiện nay, dược liệu Đông y đa phần nhập từ Trung Quốc. Nguồn gốc, xuất xứ, cách bảo quản đang có nhiều gian dối, bất cập. Tình trạng thuốc giả danh, “treo đầu dê bán thịt chó” nhan nhản khắp nơi: mật gấu, cao hổ cốt, cao khỉ…đa phần là dỏm!

Cần tránh bỏ, không dùng những loại đông dược đã lỗi thời, “độc nhiều hơn lợi” như châu sa mễ, thuốc cam, mật gấu, mật cá trắm…Những “thuốc” này đã gây độc, suy thận thậm chí cả chết người.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM