1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Thuốc độc" nhưng chủ yếu sử dụng theo... kinh nghiệm (!)

(Dân trí) - Người nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường theo kinh nghiệm và sự tư vấn của các cơ sở kinh doanh nên có hiện tượng sử dụng không đúng chủng loại, liều lượng, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bộ Tư pháp vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè. Bộ Tư pháp cho rằng đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương) và đang có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, tồn tại những điểm nóng của dư luận xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ Tư pháp đã thành lập đoàn kiểm tra kết hợp điều tra, khảo sát liên ngành với thành phần gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để tiến hành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi rau, củ, quả và chè tại TPHCM, Long An và Thái Nguyên. Qua kiểm tra cho thấy các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm đã được triển khai tương đối đồng bộ, mức độ tuân thủ có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, báo cáo của 36 địa phương (trong đó có Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố là các địa phương điển hình về sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả và chè) đã tổ chức gần 8.000 cuộc kiểm tra, 1 cuộc điều tra, khảo sát về an toàn thực phẩm theo chuỗi, đã xử lý 1.201 thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Báo cáo cho biết thuốc bảo vệ thực vật giữ vai trò quan trọng trong việc giữ vững năng suất, bảo đảm chất lượng nông sản nói chung và rau, củ, quả, chè nói riêng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cơ bản đã trở thành một khâu trong quy trình sản xuất nông sản từ nhiều năm qua. Tuy nhiên theo báo cáo của các địa phương, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy việc sản xuất rau, củ, quả và chè hiện nay (trừ một số cơ sở sản xuất quy mô lớn), người nông dân không có kiến thức nhiều về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường theo kinh nghiệm và thường theo tư vấn của các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy hiện tượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng chủng loại, liều lượng, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng. Vấn đề đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch cũng chưa được đảm bảo.

“Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của rau, củ, quả”- báo cáo viết.

Trong khi đó, số liệu từ báo cáo của các địa phương cho thấy số lượng cơ sở chế biến rau, củ, quả tại địa phương không nhiều, rất ít các cơ sở chế biến lớn, phần lớn có quy mô hộ gia đình hoặc cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Việc chế biến tại các hộ gia đình thường thực hiện theo phương pháp thủ công. Đối với cơ sở chế biến lớn, đặc biệt là các cơ sở chuyên sản xuất cho xuất khẩu đã đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thế Kha