Thuốc cam chứa tới 85% chì
(Dân trí) - Theo báo cáo của Sở Y tế tại các địa phương, phần lớn “thuốc cam” được người dân mua từ người bán thuốc dạo, ông lang, bà mế. Kết quả kiểm nghiệm nhiều mẫu thuốc cho thấy, hàm lượng chì trong thuốc rất cao, có mẫu lên đến 85% chì.
Kết quả của Viện Hóa học cho thấy có đến 98 trong số 100 mẫu “thuốc cam” có hàm lượng chì từ 2% trở lên. Đáng chú ý là có mẫu chứa 85% hàm lượng kim loại này.
Kết quả xét nghiệm trên bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy, có gần 50% trong số 117 trường hợp có hàm lượng chì trong máu rất cao.
Còn theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, các bệnh nhân đến từ 27 huyện thuộc 15 tỉnh, hầu chủ yếu dùng “thuốc” của ông lang bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc. Và theo Bộ Y tế , ngoài 2 sản phẩm thuốc cam có số đăng ký lưu hành, còn lại hầu hết thuốc cam bán tại các tỉnh thành hiện nay đều không do cơ sở trong nước sản xuất mà được nhập từ Móng Cái, Quảng Ninh và có khả năng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương cho thấy có khoảng 10.000 (chiếm khoảng ¼ số mẫu) mẫu dược liệu có hàm lượng chì và tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép.
Vì thế nguyên nhân thuốc cam chứa hàm lượng chì cao không hẳn là do dược liệu mà có thể do một số người hành nghề không có trình độ chuyên môn, không hiểu biết, đã sử dụng khoáng vật như ôxít chì….
Bộ Y tế cho biết đã lấy 100 mẫu thuốc cam cả không và có đăng ký lưu hành để kiểm tra. Trường hợp sản phẩm có đăng ký nhưng nhiễm chì cũng bị đình chỉ lưu hành. |
Trong 5 tháng qua, tính trung bình Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận gần 1 trường hợp nhập viện, trong đó đến gần 94% là trẻ nhỏ.
Đại diện của BV Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận bệnh nhi ngộ độc từ vài năm trước đó và sở dĩ số ca ngộ độc chì tăng lên là vì nhiều gia đình đưa con đi kiểm tra sau khi báo chí đưa tin và sẽ không dừng ở con số này.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến hiện nay, việc điều trị thải chì là hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ, chưa có một phác đồ chính thức điều trị căn bệnh này. Đặc biệt, cũng chỉ có Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) mới có chuyên môn về điều trị ngộ độc chì.
Do đó, tại cuộc họp Hướng dẫn phòng chống ngộ độc chì do dùng thuốc cam diễn ra chiều qua (18/4), Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai xây dựng phác đồ xử lý ngộ độc chì, lên kế hoạch dự trù thuốc với 3 thuốc thải độc chì hiện chưa có tại VN: BAL, CANA2-EDTA và Succimer.
Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức tập huấn xử lý ngộ độc chì cho các cơ sở.
Thực tế, cuối năm 2011 tại khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiếp nhận hai chị em ruột ở Nam Định cùng bị ngộ độc chì vào viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc chì cấp với biểu hiện đau bụng, đau đầu dữ dội, bị kích thích vật vã, la hét, có biểu hiện bị tổn thương não, thận, hệ tiết niệu. Còn người em của hai bệnh nhi này thì bị tử vong tại BV Nhi TƯ vì ngộ độc quá nặng.
Đã từng có bệnh nhi 5 tuổi ngộ độc chì vì uống thuốc nam chữa động kinh dù được thải chì 1,5 năm nhưng những di chứng về thần kinh (chậm phát triển trí tuệ) thì không thể phục hồi làm cháu mất khả năng học tập và lao động.
Cũng từng trực tiếp điều trị cho bệnh nhi ngộ độc chì trước đây, TS Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc viện Nhi T.Ư nhớ mãi một trường hợp bị động kinh, điều trị rất dài ngày mà không ổn định, đứa trẻ thường xuyên lên cơn co giật, gầy yếu, xanh xao, chậm phát triển trí tuệ. Kết quả xét nghiệm mới biết tình trạng động kinh có thêm nguyên nhân từ ngộ độc chì khiến việc việc điều trị vô cùng khó khăn. |
Hồng Hải